Xe đạp, phòng ngủ... đều có thể chia sẻ : Dịch vụ chia nhỏ gõ cửa từng nhà
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa đánh giá thực tế vẫn có câu chuyện loay hoay của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các quy định quản lý các loại hình kinh doanh mới mà Grab là một ví dụ.
Hai năm sau khi ra trường, lặn lội chuyển đủ mọi vị trí từ chuyên viên kỹ thuật của Uber qua bộ phận phát triển khách hàng của Zalo Pay, N.Đ.Cường (25 tuổi) quyết định cùng vài người bạn start-up một DN công nghệ chuyên lĩnh vực quảng cáo.
Cụ thể, thay vì các kênh truyền thông tòa nhà đến liên hệ hợp tác, thuê vị trí, trả cố định số tiền hằng tháng để lắp đặt thiết bị quảng cáo trong các thang máy...; sau đó DN có nhu cầu quảng cáo liên hệ với kênh truyền thông để được đăng tải thông tin sản phẩm, thì dịch vụ mà Cường và các bạn đang làm chỉ đơn thuần là đơn vị trung gian kết nối trực tiếp các tòa nhà có sẵn thiết bị quảng cáo trong thang máy với các đơn vị có nhu cầu quảng cáo.
Hay như các hãng xe, tài xế xe công nghệ muốn kiếm thêm thu nhập có thể đầu tư lắp đặt màn hình trong xe, sau đó đăng ký thông qua ứng dụng này để tìm đối tác quảng cáo. Khi được hỏi kế hoạch quảng bá cho DN đã triển khai đến đâu, Cường e dè: “Chúng tôi đã ra mắt được hơn 1 năm nhưng vẫn chỉ đang tập trung hoàn thiện công nghệ và tìm kiếm đối tác. Do mô hình này mới, về mặt pháp lý vẫn còn vướng mắc nên chưa thể quảng bá rộng rãi”.
Câu chuyện khởi nghiệp của N.Đ.Cường chỉ là đại diện cho hàng ngàn trường hợp để nói về sự bất cập trong vấn đề chấp nhận từ phía luật pháp đối với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế chia sẻ.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng Chính phủ cần sớm xác định cho phép lĩnh vực nào mà các bộ ngành có thể chia sẻ dữ liệu rộng rãi. Dựa trên thông tin đó thì các DN, các thành phần kinh tế sẽ được tiếp cận nền tảng để đưa ra các ý tưởng phù hợp và ứng dụng trong đời sống.
Theo TS Chí, nếu như ở VN, Bộ Tư pháp chia sẻ một phần thông tin về nhân khẩu thì các ứng dụng phục vụ đời sống người dân sẽ phát triển nhiều hơn. Hay dữ liệu về sinh viên, kết nối giữa các trường đại học nếu được chia sẻ rộng rãi thì có thể phát triển các ứng dụng tài chính riêng cho đối tượng này.
“Trong tương lai sẽ hình thành các mô hình kinh doanh mới và khi đó vai trò quản lý của các bộ ngành là điều không tránh khỏi. Đây là xu hướng của thế giới và cũng là động lực tăng trưởng kinh tế mới của mọi quốc gia. VN muốn không bị tụt hậu thì cần tiếp cận theo hướng cởi mở, không trói buộc hay chỉ đi theo quan điểm cũ là quản lý nhằm chống thất thu thuế, nhà nước cần tạo điều kiện phát triển cho các mô hình kinh doanh mới”, TS Chí nhấn mạnh.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa đánh giá thực tế vẫn có câu chuyện loay hoay của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra các quy định quản lý các loại hình kinh doanh mới mà Grab là một ví dụ. Theo ông, Chính phủ thúc đẩy nhưng mọi DN đều “kẹt” vì cơ quan chuyên môn chưa “cởi”.
Kinh tế chia sẻ là chia nhỏ dịch vụ thành từng khâu, huy động mọi nguồn lực đóng góp thực hiện mỗi khâu nhỏ trong chuỗi giá trị. Do đó, tư duy quản lý cũng phải xẻ nhỏ, không thể gom lại thành một như tư duy quản lý mô hình cũ.
“Như chuyện Uber, Grab, nếu không xác định đây chỉ là một phần trong chuỗi vận tải để định danh, quản lý thì Bộ GTVT sẽ loay hoay mãi không thể giải được bài toán quản lý dịch vụ vận tải thời công nghệ. Nói vậy để thấy khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế chia sẻ hiện nay là luật pháp chưa chịu thay đổi để thích nghi với cái mới. Nếu không xẻ nhỏ quản lý, định nghĩa lại các khái niệm kinh doanh dựa vào sự đóng góp của từng đơn vị tham gia, sẽ không bao giờ có kinh tế chia sẻ tại VN”, ông Hòa nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận