Xe buýt trợ giá đứng trước nguy cơ phá sản
Sau Hà Nội và TP. HCM, Đà Nẵng là thị trường thứ 3 mở các tuyến buýt trợ giá. Và đến nay, doanh nghiệp vận hành các tuyến buýt trợ giá trên cả 3 thị trường ấy đều rơi vào tình cảnh khó khăn.
Ngày 9/11, hàng trăm tài xế xe buýt của Công ty CP Công nghiệp Quảng An Đà Nẵng - đơn vị vận hành xe buýt công cộng Đà Nẵng đã ngưng việc tập thể vì bị công ty này nợ lương nhiều tháng qua. Không những vậy, theo các tài xế nơi đây, không chỉ bị chậm trả lương mà hàng tháng, họ bị công ty trừ hơn 400.000 đồng tiền bảo hiểm các loại, song đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ chế độ bảo hiểm nào.
Trợ giá nghìn tỷ vẫn nợ lương
Việc hàng loạt phụ xe, tài xế tạm ngưng làm việc khiến hệ thống xe buýt nội thành ở Đà Nẵng bị đình trệ, nhiều học sinh đến trường bằng phương tiện này cũng bị ảnh hưởng, buộc lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng phải đến tận nơi để tháo gỡ vướng mắc, động viên lái xe, phụ xe đi làm lại.
Ông Bùi Thanh Thuận - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng cam kết sẽ làm việc với doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Theo ông Thuận, việc Công ty Quảng An chậm lương là do khó khăn của doanh nghiệp, không liên quan đến các khoản trợ giá. “Tôi có thể khẳng định TP đã thực hiện trợ giá đúng, đầy đủ và đúng tiến độ, không có chuyện chậm hay thấp. Vấn đề khó khăn dẫn đến nợ lương người lao động là vấn đề của doanh nghiệp” - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề Công ty Quảng An nợ bảo hiểm xã hội 15 tháng với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng của khoảng 200 lao động tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận Hải Châu, lãnh đạo Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết sẽ làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Được biết, đây là lần thứ 2 các tài xế xe buýt của công ty này đình công trong năm nay, lần trước là vào ngày 1/1. Ghi nhận trong 4 năm vận hành các tuyến buýt trợ giá, doanh nghiệp này thường xuyên bị người lao động đình công do nợ lương, bảo hiểm và các khoản phụ cấp khác.
Hệ thống vận tải buýt công cộng do Công ty CP Công nghiệp Quảng An Đà Nẵng vận hành là tuyến bus trợ giá, với tổng giá trị trợ giá là 65 tỷ đồng cho quy trình 5 năm. Đến nay, hệ thống này có hơn 100 đầu xe với 12 tuyến nội thành.
Rủi ro chính sách
Như trên đã nêu, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Bùi Thanh Thuận và phía doanh nghiệp đều cho rằng việc nợ lương là bất đắc dĩ do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không khả quan. Tại cuộc họp, nhiều lý do được đưa ra, ví dụ như do dịch… nhưng những lý do này cũng không thể che được sự thật là doanh nghiệp vận hành các tuyến buýt trợ giá đang gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý hơn, những khó khăn này, không chỉ xuất hiện ở Quảng An Đà Nẵng, mà doanh nghiệp vận hành các tuyến buýt trợ giá tại Hà Nội và TP.HCM cũng không ngoại lệ. Thậm chí, tại TP. HCM, trợ giá xe buýt còn là tác nhân chính “hỗ trợ” doanh nghiệp… phá sản.
Những khó khăn này thể hiện trực tiếp qua tăng giảm số lượng hành khách tham gia xe buýt công cộng của các địa phương.
Cụ thể, tại TP. HCM, lượng hành khách đi xe buýt giai đoạn 2014 - 2018, khách giảm bình quân 6,65% mỗi năm, năm 2019 chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt khách, giảm 12,1% so với năm 2018. Dự kiến năm 2020 số khách đi xe buýt tại thành phố chỉ còn 159 triệu lượt.
Tại Hà Nội, sau khi đạt đỉnh năm năm 2012, lượng khách đi xe buýt đã trồi sụt từng năm. Ghi nhận năm 2013 là 410 triệu lượt, năm 2014 là 400 triệu, 2015 lại chỉ còn 370 triệu… đến năm 2019 tăng lên 450 triệu lượt nhờ thêm hơn 40 tuyến mới.
Nguyên nhân sự sụt giảm này, là do các tuyến xe buýt không đáp ứng được nhu cầu về mặt thời gian của những người tham gia, khi các tuyến bus thường xuyên chậm giờ do tắc đường. Thêm vào đó, chất lượng phục vụ lẫn xe buýt cũng tùy từng tuyến nên không thu hút được người dân.
Hệ quả, hệ thống xe buýt trợ giá từng được kỳ vọng trở thành xương sống của vận chuyển nội đô rất “kén” người đi, thay vào đó là những phương tiện cá nhân để trở thành áp lực chính khiến gia tăng nạn tắc đường, càng hạn chế sự phát triển của thị trường xe buýt.
Thành ra, sau hơn 10 năm thực hiện chính sách trợ giá xe buýt với hàng chục nghìn tỷ được đầu tư, xe buýt trợ giá đã hình thành một thị trường – với hàng nghìn đầu xe, nhưng tính hiệu quả đối với doanh nghiệp gần như không có, nếu không muốn nói là đang tạo rủi ro cho các doanh nghiệp vận hành.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết:
Trước hết các đô thị phải kiểm tra các tuyến xe buýt được trợ giá đã và đang vận hành như thế nào. Nếu hoạt động không hiệu quả mà số tiền trợ giá rất lớn vẫn được cấp thì đó là sự lãng phí đối với nguồn ngân sách của thành phố.
Để giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách của thành phố, các cơ quan chức năng nên tiến hành thử nghiệm một vài tuyến xe buýt đang bị lỗ theo mô hình xã hội hóa. Với mô hình xã hội hóa thì chỉ cần vài tháng đến một năm là biết được kết quả hoạt động kinh doanh của xe buýt theo hình thức nào thì có lợi hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận