Xây dựng trái phép lại tiếp tục diễn ra
Trong lĩnh vực xây dựng phục vụ du lịch, tại địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, thời gian qua hàng loạt dự án nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư triển khai trái phép hoặc khi chưa được phép.
Cử tri bức xúc
Thời gian qua, tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng khá bất ổn, nhất là công trình phục vụ phát triển ngành du lịch như nhà hàng, khách sạn, công viên chức năng và các dự án tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Mặc dù đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, song hàng loạt công trình đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình thi công như xây vượt tầng, vượt số phòng, đấu nối nước thải vào hệ thống cống xả không đúng quy định, xây dựng không phép, trái phép…
Chính vì thế, vấn đề xây dựng trái phép luôn là chủ đề “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH, Đoàn đại biểu HĐND các cấp. Nhiều cử tri bức xúc cho rằng, chính quyền và cơ quan chức năng xử lý không quyết liệt, không đến nơi đến chốn khiến người dân, cũng như các chủ đầu tư dự án “lờn thuốc”…
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Liên Chiểu nhằm chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội sắp tới của Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng, nhiều ý kiến đã phản ánh việc một bộ phận người dân xây nhà không phép, trái phép để được đền bù khi giải tỏa làm dự án, dẫn đến nhiều phức tạp trong công tác quản lý trật tự xã hội tại địa phương.
Trong lĩnh vực xây dựng phục vụ du lịch, tại địa bàn 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, thời gian qua hàng loạt dự án nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư triển khai trái phép hoặc khi chưa được phép.
Đơn cử, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và đề nghị UBND quận Ngũ Hành Sơn xử lý 4 khách sạn có vi phạm pháp luật về xây dựng, gồm Golden Star, đã xây dựng tăng từ 49 phòng lưu trú lên 60 phòng; Aria Grand Hotel, tăng từ 40 lên 73 phòng; Aria tăng từ 48 lên 69 phòng; Queens Finger Hotel tăng từ 49 lên 54 phòng. Số phòng xây dựng tăng thêm nằm ngoài hồ sơ đánh giá tác động môi trường. Tương tự, tại quận Sơn Trà có 9 khách sạn, 7 nhà hàng không có giấy phép xây dựng. Trong đó, phần lớn nhà hàng được chủ đầu tư xây dựng từ giấy phép làm nhà ở, biệt thự…
Kiên quyết xử lý
Trước tình hình vi phạm của các chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo UBND các quận nói trên xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các khách sạn, nhà hàng nói trên và hoàn thành trước ngày 30/6/2019.
Trước đó, với những sai phạm tại dự án Khu Công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển do Công ty cổ phần Quê Việt làm chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn và phường Mỹ An cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra việc vi phạm trật tự xây dựng tại đây.
Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân đã để xảy ra vi phạm, đề xuất hướng xử lý, báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định trước ngày 20/5/2019. Cũng trong thời gian trên, UBND thành phố cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các đơn vị liên quan kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với dự án Khu Công viên dịch vụ giải trí du lịch thể thao biển, báo cáo UBND thành phố.
Hay như Công ty cổ phần DHC Suối Đôi đã xây dựng không phép tại dự án mở rộng Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Chủ đầu tư đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng các hạng mục như hệ thống thoát nước nội bộ; thi công phần nền đường và trồng cây xanh dọc tuyến đường công vụ sông Luông Đông; san lấp mặt bằng khu vực thuộc giai đoạn hai của dự án liên kết mở rộng Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định. Với sai phạm trong lĩnh vực xây dựng tại dự án này, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng ký Quyết định 08/QĐ-XPVPHC xử phạt chủ đầu tư 40 triệu đồng.
Ngoài ra, trong 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty cổ phần DHC Suối Đôi phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, chủ đầu tư không xuất trình với cấp có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định…
Có thể nói, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang được chính quyền TP. Đà Nẵng quyết liệt chỉ đạo. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng chưa kịp thời, không mạnh tay, làm cho các chủ đầu tư và người dân chủ quan, “lờn thuốc”, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng liên tục tái diễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận