Xây dựng thương hiệu từ quyền sở hữu trí tuệ
Mới đây, sự việc có 4 doanh nghiệp đăng ký bản quyền thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu không chỉ trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn “thờ ơ” với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), nhất là đối với DNNVV. Theo thống kê, hiện chỉ 18% DNNVV hiểu đúng về SHTT và chỉ có 6% DNNVV có bộ phận thực thi về SHTT. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp chưa liệt kê được tài sản thuộc SHTT.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp chậm trễ đăng ký quyền SHTT có thể dẫn đến hậu quả bị “đánh cắp” tài sản trí tuệ của mình. Minh chứng như vụ việc chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước; mất thương hiệu thuốc lá Vinataba ở nhiều lãnh thổ; mất sáng chế/kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi ở Nhật Bản năm 2001; mất chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc năm 2011… Gần đây nhất, nguy cơ bị mất thương hiệu gạo ST25 - loại gạo đoạt giải Nhì cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới năm 2020” của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự, thuộc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp.
Cụ thể, hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 của 4 doanh nghiệp ở trạng thái “đang kiểm tra”. Tuy chưa mất thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ, nhưng nếu doanh nghiệp không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì thương hiệu có thể bị mất.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, doanh nghiệp chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ, vốn là một trong những bước quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu và tạo dựng niềm tin của khách hàng.
Thực tế các doanh nghiệp Việt đầu tư rất nhiều cho thương hiệu của mình ở thị trường trong nước, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên khi ra thị trường quốc tế lại vô danh, thậm chí bị cướp thương hiệu do một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký trước.
Chưa kể, bảo hộ SHTT có một nguyên tắc cơ bản là bảo hộ theo lãnh thổ. Vì vậy, nhãn hiệu của chúng ta được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam thì chỉ có giá trị bảo hộ tại Việt Nam, không được bảo hộ tại lãnh thổ nước khác. Điều này nhiều doanh nghiệp còn khá mơ hồ dẫn đến việc không đăng ký bảo hộ trên thị trường quốc tế. Do đó đồng nghĩa với khả năng nhãn hiệu (hay chỉ dẫn địa lý) của doanh nghiệp có thể bị đăng ký bởi một doanh nghiệp nước khác và họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đó cho sản phẩm đã được đăng ký.
Theo LS. Phạm Duy Khương - Công ty Luật SB Law, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp Việt Nam còn ngần ngại trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, chi phí cho việc đăng ký, đặc biệt là đăng ký ở thị trường quốc tế là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu như xảy ra tranh chấp về thương hiệu thì chi phí để khiếu nại, giành lại thương hiệu còn lớn hơn rất nhiều lần số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra nếu có chuẩn bị trước.
Điểm yếu cần khắc phục
Dù Việt Nam là một quốc gia có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là nông sản, nhưng sau mấy chục năm, mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa đạt được vị trí xứng đáng, theo các chuyên gia, thương hiệu và quyền SHTT là một điểm yếu cần khắc phục của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, các ý tưởng sáng chế, quyền SHTT phải được coi là một tài sản và tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản của mình. Hơn hết, trong bối cảnh Việt Nam đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đa số các hiệp định này đều có điều khoản liên quan đến quyền SHTT, nếu không nhanh chóng có chiến lược để bảo hộ quyền SHTT thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, lợi ích từ các hiệp định đồng thời còn phải đối mặt với các rủi ro về mặt pháp lý.
Các cơ quan nhà nước phải nâng cao trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn và tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Thực tế, quy trình đăng ký thương hiệu và đăng ký quyền SHTT ở Việt Nam vẫn có tình trạng chậm trễ, các quy trình, thủ tục phức tạp, nhiều chi phí khiến doanh nghiệp e ngại. Đơn cử như thời gian xét nghiệm đơn về nhãn hiệu ở Việt Nam là 2 tháng, trong khi đó tại một số nước như Singapore, Hàn Quốc… thì thời gian này rất ngắn. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi về mặt chính sách để tạo điều kiện và thúc đẩy doanh nghiệp bảo vệ quyền SHTT của mình.
Về mặt giải pháp, một số ý kiến cho rằng các thương hiệu của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường quốc tế chủ yếu là từ các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực. Tuy nhiên, theo chuyên gia, DNNVV và các cá nhân cũng hoàn toàn có thể bảo vệ tài sản trí tuệ của mình thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối có tiềm lực tài chính để hỗ trợ bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Theo LS.Phạm Duy Khương, muốn đăng ký quyền SHTT trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về chính sách của các nước, cân nhắc về thời gian, chi phí đăng ký. Đồng thời cũng cần tìm hiểu các hình thức bảo hộ của mỗi loại sản phẩm, bởi mỗi sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất, tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm, hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.
Địa chỉ tốt nhất để doanh nghiệp tìm kiếm thông tin về các quy định và thủ tục bảo hộ quyền SHTT là cơ quan SHTT của nước đó.
Theo ông Khương, số lượng các doanh nghiệp nộp đơn để đăng ký quyền SHTT ra quốc tế đã tăng cao trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt ở một số thị trường tiềm năng mà Việt Nam đang có hiệp định thương mại tự do như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… Dự báo trong thời gian tới, số lượng các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện bảo hộ quyền SHTT sẽ ngày càng tăng cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận