Xây dựng thương hiệu cho nông sản: Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững.
Do đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới các hình thức đặc thù đối với địa danh gắn với tên gọi sản phẩm nhằm khai thác, phát triển danh tiếng của sản phẩm là xu hướng đã và đang được nhiều nước ưu tiên áp dụng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Sản phẩm bảo hộ thương hiệu ngày càng tăng
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng, miền phát triển các đặc sản của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ đó, số lượng sản phẩm được bảo hộ thương hiệu cộng đồng ngày càng tăng nhanh. Sau bảo hộ, nhiều sản phẩm đã được khai thác và phát triển thương mại để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, việc sản phẩm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ sẽ tạo niềm tin đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng, chất lượng sản phẩm. Cụ thể, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, vải thiều Lục Ngạn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản, về đích sớm nhất trong số 3 sản phẩm đặc thù đang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại quốc gia này.
Ngoài vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận chính thức trở thành những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Hiện tại, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Bến Tre là các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (Yên Bái: 8; Hà Giang: 7; Thanh Hóa: 6; Bến Tre: 5).
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đối với những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Các tỉnh này cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá đặc sản
Một số sản phẩm quốc gia đã định vị được tên tuổi của mình trên thị trường quốc tế (gạo, cà phê, cá da trơn, xoài, thanh long, vải thiều…). Điều này chưa đáng kể và chưa phát huy hết tiềm năng thực tế của nông sản Việt.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Hiệp hội Nông sản tỉnh tăng cường phổ biến tuyên truyền cho hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật về chỉ dẫn địa lý của nước ngoài để duy trì hiệu lực văn bằng đã được công nhận; giám sát quá trình sản xuất sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý của các hội viên thuộc Hiệp hội.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nông sản mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ tại nước ngoài, các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP…Việc các sản vật Việt được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường "khó tính" có ý nghĩa rất lớn. Ngoài vai trò bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị "đánh cắp" thương hiệu khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân ở nước đó tin tưởng, ưa chuộng.
Việc sử dụng địa danh, dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để đăng ký cho sản phẩm đặc sản của địa phương đồng nghĩa với việc các sản phẩm này gắn với danh tiếng, chất lượng của một vùng, miền đó. Đây là hướng đi mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm hạn chế tình trạng bị lạm dụng danh tiếng, chống lại các hành vi xâm phạm và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất các địa phương cần tăng cường hơn nữa cơ chế liên kết và sự chung tay của "4 nhà": Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học.
Về phía Nhà nước, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương; thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức tập thể các nhà sản xuất, kinh doanh để họ chủ động triển khai việc thiết lập và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản; triển khai các chiến dịch, hoạt động thiết thực để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương ra nước ngoài.
Các địa phương cần xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia về kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo sản phẩm khi được lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế; tham gia là thành viên của các tổ chức, mạng lưới quốc tế để xây dựng và tổ chức triển khai các chiến dịch quảng bá đặc sản địa phương (gắn với chỉ dẫn địa lý) ở quy mô quốc gia từ đó tham gia vào các sự kiện quốc tế về quảng bá đặc sản địa phương.
Các nhà nông cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp tạo nền tảng để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường.
Người dân có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản của địa phương mình; truyền thụ cho thế hệ sau niềm tự hào về đặc sản địa phương để bảo tồn và phát triển.
Nhà khoa học cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định và duy trì "thương hiệu" sản phẩm bền vững trên thị trường.
Doanh nghiệp tại các địa phương cần xây dựng thiết chế liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo ra sức mạnh tập thể, xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu đời trên thị trường quốc tế; tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường; thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân viên, chuyên gia được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận