Xây dựng nhiều phương án bảo mật ứng phó rủi ro
Chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, đầu tư vào số hóa là xu hướng chung của các ngân hàng Việt Nam. Đó cũng là cách để Việt Nam tiếp cận công nghệ toàn cầu và không tạo ra một vùng trũng.
Theo ông, sắp tới sẽ có một cuộc đua về chuyển đổi ngân hàng số không?
Cuộc đua này đã diễn ra nhiều năm rồi, chứ không phải trong thời gian tới. Đây là một cuộc đua lành mạnh không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng mà tạo ra nền tảng mới, dịch vụ cao hơn cho khách hàng. Mỗi tổ chức có cách đi khác nhau, ai cũng muốn tạo ra sức cạnh tranh của mình, thông qua chất lượng dịch vụ khả năng thích ứng với khách hàng. Muốn làm vậy, ngân hàng luôn phải tìm tòi các công nghệ tốt nhất, mới nhất trên thị trường thế giới thì mới tạo sự khác biệt trong nhận danh. Và đó cũng là cách ngành Ngân hàng đang hòa mình với đất nước trong thời đại công nghệ toàn cầu hiện nay.
Khách hàng quan tâm nhất khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số là vấn đề bảo mật. Vậy các ngân hàng làm gì để tạo niềm tin cho người dùng?
Vấn đề bảo mật, an ninh mạng không mới nhưng những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa rồi đặt ra những yêu cầu gay gắt hơn. Khi phát triển một ứng dụng nào thì yêu cầu về đảm bảo an ninh mạng, an toàn là yêu cầu bắt buộc phải đặt ra đòi hỏi đầu tư lớn. Đó là yêu cầu bắt buộc cho các ứng dụng và đây cũng là thách thức đối với các ngân hàng khi triển khai ngân hàng số.
Chẳng hạn, tại OCB đầu tư cho an ninh chiếm ít nhất từ 20- 30%/tổng chi phí đầu tư. Ngân hàng phải xây dựng một hệ thống an toàn nhiều lớp. Lớp thứ nhất là tương tác với người dùng, lớp thứ hai hệ thống lõi trong ngân hàng và lớp cuối cùng là dự phòng. Chưa hết, ngân hàng còn thuê bên thứ ba để xây dựng những chương trình để tránh tấn công mạng và đưa ra cả những phương án cho ngân hàng để ứng phó.
Đối với một ngân hàng phát triển hệ thống số càng nhanh thì bảo mật thông tin càng mạnh. Dữ liệu càng số hóa, mã hóa thì đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng cao hơn cách xử lý thông tin truyền thống. Hiện nay, quy trình số hóa thông tin của khách hàng được mã hóa nên chỉ trả kết quả cuối cùng, thông tin gốc được bảo mật. Như tại OCB đảm bảo 100% thông tin nội bộ được số hóa, thông tin cung cấp có giới hạn nhất định, tùy theo công việc, nhiệm vụ của mỗi người. Cách thức này tăng tính kiểm soát, bảo mật thông tin hơn rất nhiều so với thông tin trên giấy.
Các ngân hàng phải đối mặt với thách thức nào khi triển khai ngân hàng số, thưa ông?
Về thách thức, đầu tiên sẽ đến từ cạnh tranh. Trước đây ngân hàng giữ thế độc quyền trong thanh toán dịch vụ nhưng giờ thì không. Vì không chỉ có ngành ngân hàng mà có rất nhiều ngành nghề khác nhìn ra việc cần thiết phải ứng dụng CNTT và công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Ví dụ, doanh nghiệp bán lẻ có thể bán trả chậm cho khách hàng thông qua phân tích tín nhiệm của khách hàng. Các công ty Fintech đã có thể cung cấp ví điện tử. Công ty viễn thông cũng có thể cung cấp dịch vụ thanh toán các món nhỏ… Có thể nói, ngân hàng phải chấp nhận và đối mặt với cuộc đua đó.
Thứ hai là có rất nhiều ứng dụng mới được triển khai đòi hỏi ngân hàng phải đầu tư rất nhiều vào con người từ quản lý cho tới chuyên gia. Bản thân lãnh đạo từ cấp cao phải am hiểu lĩnh vực công nghệ, thường xuyên cập nhật, học hỏi... Để làm được theo tôi là cả một quá trình. Hiện tại, lượng chuyên gia am hiểu cả về CNTT đang thiếu hụt. Khi không đủ chuyên gia, làm chậm quá trình phát triển của ngân hàng. Công nghệ có thể mua, nhưng ngân hàng vẫn phải làm chủ công nghệ. Tìm được chuyên gia đã khó, việc giữ chuyên gia cũng không hề dễ, vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao chiêu mộ họ. Với OCB đó cũng là một thách thức.
Thứ ba là rủi ro về an ninh mạng. Đây là rủi ro mới đối với ngành. Với các rủi ro về tín dụng, hoạt động… ngân hàng đã có quy chuẩn để tính toán nhưng an ninh mạng thì rất khó. Hacker tấn công đơn giản nhưng đối phó không đơn giản vì các cuộc tấn công từ các nước khác nhau, mỗi ngày một kiểu mới nên ngân hàng khó phòng thủ. Đó là một thách thức với cả thế giới không chỉ riêng đối với lĩnh vực ngân hàng. Tất cả những điều trên đòi hỏi ngân hàng phải chuẩn bị hành trang đầy đủ để không bị bỏ lại trong cuộc đua số.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận