'Xây cầu Cát Lái qua quận 7 chi phí cao nhưng phù hợp'
Theo các chuyên gia, cầu Cát Lái từ quận 7 vượt sông Đồng Nai chi phí xây dựng có thể cao nhưng bù lại dễ giải phóng mặt bằng, tạo trục kết nối liên vùng TP HCM.
Dự án cầu Cát Lái nối TP HCM và Đồng Nai được Thủ tướng cho bổ sung vào quy hoạch 6 năm trước. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa triển khai do hai địa phương chưa thống nhất phương án hướng tuyến, quy mô xây dựng... Mới đây, sau khi phân tích 5 phương án xây cầu Cát Lái do đơn vị tư vấn đưa ra, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá phương án 4: cầu kết nối từ quận 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, như dự tính lúc trước.
Theo phương án 4, dự án cầu Cát Lái dài 13,7 km, riêng phần cầu là 3,5 km. Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam TP HCM, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ngành giao thông TP HCM nhận định phương án này tạo mạng lưới giao thông mới, thu hút xe từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro Số 4 và các đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng qua huyện Nhơn Trạch, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại. Cách làm này cũng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đánh giá dễ điều chỉnh các quy hoạch liên quan; dễ giải phóng mặt bằng vì đi qua khu đất trống.
Đánh giá về kế hoạch trên, TS Chu Công Minh, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP HCM, nói đây là phương án phù hợp, giúp hình thành trục giao thông mới cho Nam Sài Gòn cũng như về phía Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu kết nối từ quận 7 tạo thuận lợi cho người dân Nhà Bè, Bình Chánh... đến sân bay Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi ở khu vực nội đô như quận 1, 3, Bình Thạnh... vài năm tới người dân có thể theo Vành đai 3 qua khu vực trên mà không cần qua phà Cát Lái, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây như hiện nay.
Theo ông Minh, khi triển khai phương án trên, cầu Cát Lái tổng chiều dài gần 14 km, hơn 1-3 km so với các phương án khác, do vậy chi phí xây dựng có thể cao hơn. Nhưng bù lại, đường dẫn cầu ở địa bàn TP HCM qua các khu đất trống sẽ giúp tiết kiệm giải phóng mặt bằng - vốn là việc khó khăn và chiếm nhiều kinh phí ở các công trình hạ tầng.
Đánh giá 4 phương án khác, ông Minh cho rằng ba kịch bản xây cầu gần cảng Cát Lái khó khả thi do vướng quy hoạch, công trình khác đang triển khai. Đồng thời, hướng tuyến của cầu đều tập trung vào trung tâm thành phố. Điều này sẽ khiến các loại xe dồn đến nội đô nếu xây dựng, gây thêm áp lực cho hạ tầng. "Riêng phương án 5, cầu Cát Lái kết nối từ phía Nam TP HCM rồi vượt sông qua Đồng Nai, nhưng lại gần với cao tốc Bến Lức - Long Thành nên sau này sẽ hạn chế vai trò cả hai công trình", ông Minh nói.
Cũng ủng hộ phương án xây cầu Cát Lái qua quận 7, song ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM, nói để phát huy tối đa hiệu quả, dự án cần kết nối đồng bộ đến đường Nguyễn Văn Linh. Bởi đây là tuyến "xương sống" trên hành lang vận tải giữa TP HCM và miền Tây, nên khi có cầu qua Đồng Nai giúp giao thông, đô thị, logictics... cả vùng phát triển.
Mặt khác, ông Quản cũng cho rằng dự án làm ở quận 7 sẽ giúp giảm xe từ Vũng Tàu, Đồng Nai... qua TP HCM ở cửa ngõ cảng Cát Lái, giảm áp lực giao thông ở khu vực vốn đang là một trong "điểm nóng" về ùn tắc, tai nạn.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc triển khai cầu Cát Lái cần đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển hệ thống cảng biển ở khu vực. Quá trình tính toán cần nhìn nhận theo hai nhánh kết nối: từ Cát Lái đến cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và nhánh qua cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Sơn nhìn nhận cầu xây ở khu vực gần cảng Cát Lái kết nối Vũng Tàu sẽ có hiệu quả nhanh vì hạ tầng đã sẵn sàng, còn phía quận 7 thời gian sẽ dài hơn do cần chờ đầu tư công trình đồng bộ.
"Giữa cảng Cát Lái và Thị Vải - Cái Mép có trục giao thông kết nối thuận lợi sẽ kích thích phát triển không chỉ đô thị, công nghiệp mà người dân giữa hai bên được đi lại dễ dàng", ông Sơn nói và cho rằng xây cầu Cát Lái sẽ gặp nhiều khó khăn như điều chỉnh quy hoạch, kinh phí giải phóng mặt bằng lớn, song hai địa phương cần làm sớm vì càng để lâu, chi phí càng tăng.
Theo một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, phương án xây cầu Cát Lái, gồm hướng tuyến, quy mô, cách tổ chức giao thông... rất quan trọng vì ảnh hưởng quy hoạch và công trình khác đang triển khai nên cần đánh giá tổng thể. Cơ quan này đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát tổng thể quy hoạch kết nối giao thông với Đồng Nai, cập nhật tình hình đầu tư công trình ở khu vực, nhu cầu vận tải... để phân tích, chọn phương án, thời điểm tối ưu xây cầu Cát Lái.
Về phía Đồng Nai, ông Nguyễn Bôn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cũng nói địa phương đang chờ ý kiến từ TP HCM rồi sẽ họp bàn, tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra ý kiến cuối cùng. "Phương án được các bên thống nhất sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa như nguồn vốn, điều chỉnh quy hoạch phù hợp cũng như phát huy hiệu quả sau này", ông Bôn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận