Xây “biệt phủ” trên đất trồng cây nhưng chỉ “thông báo miệng” với chính quyền
“Biệt phủ” hoành tráng và nhà hàng Nguyên Phát nằm ngay bên chân cầu Đình Thủy Thuận, xây dựng không phép tại xã An Phước (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Ngoài hai công trình trên, huyện Mang Thít còn công trình nhà máy xây dựng quy mô trên đất nông nghiệp đã hoạt động nhiều năm nhưng không bị xử lý. Giám đốc doanh nghiệp khẳng định: “Cất đại, xin cho có thôi, chứ đất nông nghiệp”.
Đi dọc tỉnh lộ 902 qua xã An Phước, nhiều người ngỡ ngàng với công trình xây dựng nằm ngay bên chân cầu Đình Thủy Thuận. Không chỉ vì sự hoành tráng của “biệt phủ” nằm cạnh con rạch, đập vào mắt người đi đường là công trình phụ xây dựng bằng bê tông cốt thép vênh ra mặt nước gần 2m, tính từ vị trí bờ. Nhìn từ trên cao, công trình bờ kè vênh ra gần giữa con rạch, trải dài từ mặt tiền ra phía sau và ôm “biệt phủ” thành điểm nhấn trung tâm. Liền kề “biệt phủ” là công trình xây dựng nhà hàng Nguyên Phát. Phần lớn diện tích sàn, tum (chòi) phục vụ khách ăn uống tại nhà hàng này cũng nằm hẳn trên mặt nước.
Qua xác minh hai công trình xây dựng trên do ông Nguyễn Tấn Tài (ngụ xã An Phước), đại diện chủ đầu tư. Công trình “biệt phủ” được xây dựng trên thửa đất 37, tờ bản đồ số 14 có diện tích 3.994,8m2 (300m2 đất ở nông thôn và 3.694,8m2 đất trồng cây lâu năm). Sau đó, ông Tài làm thủ tục tặng toàn bộ diện tích trên cho con trai Nguyễn Tấn Phát đứng tên. Còn khu vực nhà hàng Nguyên Phát trên diện tích hơn 1.540m2 được gia đình ông Tài mua lại của 2 hộ dân lân cận. Trong đó, thửa có diện thích 930m2 (có 300m2 đất ở nông thôn) được gia đình ông Tài sử dụng xây dựng nhà hàng kinh doanh, còn thửa 614m2 đất cây lâu năm dùng để làm đường đi, đấu nối với tỉnh lộ 902.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết, công trình xây dựng ở nông thôn nên chỉ thông báo miệng cho chính quyền xã An Phước. Ông cũng thừa nhận xây dựng vượt diện tích đất ở trên giấy chứng nhận.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết, công trình xây dựng nhà ở của gia đình ông Tài thực hiện từ năm 2019-2020, đã hoàn thành rất lâu trước khi xin chuyển đổi thêm diện tích đất cây lâu năm sang đất ở nông thôn. Còn nhà hàng Nguyên Phát có giấy phép kinh doanh, xây dựng tháng 12/2021 trên đất ở nông thôn và cây lâu năm, không có giấy phép. Đến tháng 5, vợ ông Tài mới thực hiện thủ tục đăng ký chuyển 630m2 đất cây lâu năm sang đất thương mại dịch vụ.
Khi được hỏi vì sao không làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp trước khi xây dựng và xin phép xây dựng theo quy định, ông Tài nói rằng: “Tôi là doanh nghiệp phải chớp thời cơ, chứ chờ mấy anh tới cấp phép thì râu tôi nó dài ra. Tôi nghĩ ở nông thôn, cứ làm trước rồi thủ tục chạy theo sau. Còn lối đi vào nhà và nhà hàng cũng là tự ý làm chứ không xin phép đấu nối đường tỉnh với cơ quan thẩm quyền”.
Còn Công ty TNHH MTV VL Huy Hoàng (gọi tắt Công ty Huy Hoàng) với ngành nghề may công nghiệp tại xã Bình Phước, do ông Trịnh Quốc Sĩ làm giám đốc, đã xây dựng nhà xưởng với quy mô có hơn 500 công nhân làm việc. Năm 2017, UBND huyện Mang Thít ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng để cho thuê 17.396m2 đất nông nghiệp ở xã Bình Phước. Ông Bùi Thanh Vũ (ngụ huyện Long Hồ) trúng đấu giá thửa đất nêu trên, sau đó chuyển nhượng cho ông Sĩ. Năm 2019, ông Sĩ xây dựng nhà máy sản xuất may mặc xuất khẩu. Công ty Huy Hoàng có công văn gửi UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp nhưng không được chấp nhận, bởi không đúng với mục đích đấu giá ban đầu. Dù không được đồng ý việc chuyển mục đích sử dụng đất, ông Sĩ vẫn cho xây dựng nhà máy. Trao đổi với phóng viên, ông Sĩ nói rằng biết rõ việc xây dựng nhà máy trên đất nông nghiệp là trái phép nên “cất đại”, vì xin cũng không có cơ quan nào cấp phép.
Dù nhà máy được xây dựng trên đất nông nghiệp và đưa vào hoạt động từ năm 2019 đến nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý vi phạm. Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít biết rõ việc Công ty Huy Hoàng xây dựng nhà máy trái phép trên đất nông nghiệp và đến nay vẫn chưa xử lý (?). Ông Diên giải thích rằng vì thu hút đầu tư nên nhiều năm qua huyện không xử lý. Còn lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường khẳng định hướng giải quyết tới là buộc ông Sĩ phải trả lại hiện trang ban đầu, tức là tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định với diện tích 7.000m2. “Tôi đã báo cáo phương hướng giải quyết để huyện để xem xét, xử lý”, ông Phú nói.
Hồi cuối tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành thông báo kết quả thi hành kỷ luật ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, với hình thức khiển trách. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính đối với Chủ tịch UBND huyện Mang Thít. Trong các nội dung bị tố cáo và kiểm điểm, ông Diên đã giải trình về việc ban hành quyết định phê duyệt phương án đấu giá diện tích 17.443m2 quyền sử dụng đất tại xã Bình Phước, khi chưa có kết luận thống nhất chủ trương bằng văn bản của Ban Thường vụ Huyện ủy. Ông Diên thừa nhận với phóng viên, sau khi đấu giá diện tích nông nghiệp nêu trên, địa phương để xảy ra tình trạng Công ty Huy Hoàng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Thửa đất trên chưa chuyển mục đích sử dụng đất, hiện nay cũng không thể chuyển vì đã làm sai mục đích sử dụng đất khi trúng đấu giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận