24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hà Thu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng: Mạo danh, hù dọa để bán “thuốc”

Tình trạng mạo danh thuốc do Bộ Y tế thẩm định và nhà thuốc đông y gia truyền, để bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang diễn ra một cách công khai.

Đủ trò mạo danh

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay trên một số trang mạng và trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện đến số điện thoại của khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định.

"Một số sản phẩm được chào bán như: Xương khớp; Sinh lý nam; Tiểu đường; Kích thích mọc tóc; Trị mất ngủ... Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Nhân viên thường không cung cấp thông tin về địa chỉ của tổ chức sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát", TS Phong nói rõ.

Ngoài ra, tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat… đang diễn ra rầm rộ. Người mua, người bán lên đơn hàng với nhau qua những liên lạc trên và giao hàng qua đặt hàng online, bưu điện hoặc thuê người vận chuyển.

Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái… đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng: Mạo danh, hù dọa để bán “thuốc”

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng chia sẻ, bản thân ông không ít lần nhận được điện thoại tư vấn “hù dọa” về tình trạng sức khỏe. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, phát hiện nhiều “tổng đài viên” giả danh dược sĩ, bác sĩ thực ra lại là sinh viên, người không có chuyên môn. Họ được tuyển dụng, đào tạo các kỹ năng “hù dọa” để người được tư vấn lo lắng và mua dùng sản phẩm.

"Tôi từng đích thân gọi tới một số điện thoại trên mạng để tư vấn căn bệnh liên quan đến cột sống và được tư vấn viên khẳng định dùng thực phẩm chức năng là khỏi bệnh”, ông Phong nói.

Cũng theo lời kể của ông Phong, gần đây nhất, đang trong cuộc họp đã bất ngờ nhận được cuộc điện thoại tư vấn, người gọi tự nhận là nhân viên phân phối sản phẩm giảm cân Bà Dung. Cơ sở có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội.

Khi bị “khách hàng” truy hỏi "sản phẩm này có nguồn gốc từ đâu, đã được cấp phép hay chưa và hiệu quả thế nào", phía nhân viên tư vấn qua điện thoại khẳng định sản phẩm Giảm cân Bà Dung đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép, có giấy chứng nhận do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ký cấp phép.

Nhân viên này cũng khẳng định sản phẩm từ thảo dược rất tốt đối với những người có nhu cầu giảm cân mà không cần nhịn ăn hay tập thể dục. Khi ông Phong tiếp tục gặng hỏi, có phải sản phẩm giảm cân nói trên đã bị đình chỉ lưu hành thì nhân viên tư vấn khẳng định sản phẩm vẫn lưu hành phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, ngay sau đó ông Phong nói rõ với nhân viên tư vấn rằng đang nói chuyện với Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và Cục chưa cấp phép cho sản phẩm giảm cân Bà Dung tại địa chỉ Chương Mỹ, Hà Nội, đồng thời hỏi tên nhân viên tư vấn. Ngay lập tức, đầu dây bên kia vội vàng tắt máy.

Cảnh báo người tiêu dùng

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua cơ quan này đã bắt và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm. Do vậy, người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

Ngoài ra, theo ông Phong, bản chất của thực phẩm chức năng là bảo vệ sức khỏe, giúp cơ thể con người nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh lại đang quảng cáo sản phẩm này như một loại thuốc chữa bệnh, gây nhầm lẫn cho người bệnh.

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay, Cục đã thanh, kiểm tra và xử phạt hàng trăm doanh nghiệp thực phẩm chức năng vi phạm về quảng cáo thực phẩm chưc năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng luôn muốn "nổ" về công dụng để thu hút người mua. Thậm chí không ít cơ sở đã thuê những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới công chúng đứng ra quảng cáo sản phẩm.

Có thể thấy, Cục An toàn thực phẩm đã đưa ra nhiều giải pháp và hành động cụ thể để xử lý, ngăn chặn tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp các quy định của pháp luật đưa ra những quảng cáo lừa dối người tiêu dùng.

"Trong lúc cơ quan chức năng đang thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có quảng cáo dưới các hình thức như: Thư cảm ơn của bệnh nhân; dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo sản phẩm; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo... Chưa cần kiểm tra đã thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng không mua sản phẩm quảng cáo như vậy", ông Phong nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả