Xăng giả, cây xăng cũng giả: Phân biệt thế nào?
Qua vụ công an phong tỏa cây xăng có dán nhãn hiệu Petrolimex ngay ở TP.HCM, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, có tình trạng cây xăng giả nhãn hiệu. Vậy phân biệt thế nào?
Tình trạng chống cây xăng giả, nhái nhãn hiệu đã diễn ra nhiều năm, dai dẳng. Thậm chí có cây xăng đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tương tự những thương hiệu như Petrolimex khiến không ít người tiêu dùng nhầm lẫn.
Giả mạo nhãn hiệu
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cửa hàng xăng dầu số 1 có địa chỉ 679 Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TP.HCM) trực thuộc Công ty TNHH dầu khí Thanh Bình mà công an vừa phong tỏa là công ty TNHH một thành viên do bà Phạm Thị Hương làm giám đốc, thành lập từ tháng 6-2013, có vốn điều lệ 5 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành dầu khí, xăng dầu, vận tải... Công ty TNHH dầu khí Thanh Bình không nằm trong danh sách các thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, nhưng theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, doanh nghiệp này có vai trò là một đại lý bán lẻ xăng dầu.
Liên quan đến hình ảnh logo được cho là giống logo thương hiệu của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), đại diện tập đoàn này cho biết qua kiểm tra cho thấy cửa hàng trên không thuộc hệ thống, cũng như không phải là doanh nghiệp nhượng quyền thương mại của Petrolimex.
Do đó, việc cửa hàng này đưa hình ảnh biểu tượng logo như trên là "đã xâm phạm nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ của Petrolimex".
Ông Đào Văn Hùng - phó tổng giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) - cho biết thêm trước đây cửa hàng này là đại lý của Petrolimex Sài Gòn, khi nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, doanh nghiệp này trở thành thương nhân phân phối và được quyền lấy xăng dầu từ nhiều nơi.
Từ 1-1-2021, Công ty CP cơ khí xăng dầu Petrolimex cũng đã cắt hợp đồng và doanh nghiệp này tiếp tục "chạy" đi phân phối cho Công ty CP thương mại và dịch vụ Cần Giờ (Cagico). Theo ông Hùng, từ khi cắt hợp đồng, doanh nghiệp này phải gỡ tất cả các dấu hiệu thương mại của Petrolimex nhưng thực tế cửa hàng này lại không gỡ.
Tổng công ty Dầu VN (PV Oil) cũng từng bị Công ty PVOIL International sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu của PV Oil đã được bảo hộ. Do đó, PV Oil đã buộc phải khẳng định hoàn toàn không có bất kỳ mối liên hệ nào với công ty trên, và cho rằng điều này là trái với quy định của pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Quy định thoáng, dễ vi phạm
Thực tế, không chỉ có một cửa hàng vi phạm vì theo ông Hùng, Petrolimex đã kiểm tra trên địa bàn TP.HCM và đã phát hiện một số trường hợp, đã gửi thư khuyến cáo tháo dỡ. Cụ thể, đã từng xảy ra vi phạm tại cửa hàng trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh) và cửa hàng trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp).
Có những hệ thống nhượng quyền không lấy hàng đúng cam kết, có khả năng lấy hàng bên ngoài nên bị cắt hợp đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp phụ trách phân phối xăng dầu phía Nam một đầu mối lớn cho hay có cửa hàng còn "sử dụng giang hồ" khi bị yêu cầu gỡ bỏ.
Cho rằng vi phạm vẫn diễn ra nghiêm trọng, ông Đào Văn Hùng chỉ ra nguyên nhân là theo nghị định 83, các cửa hàng có thể "hôm nay làm nhượng quyền chỗ này, mai làm đại lý cho chỗ khác, chạy như cơm bữa".
Do đó, dù giao các thương nhân phân phối, đầu mối chịu trách nhiệm quản lý các đại lý nhưng việc "chạy qua chạy lại" này khiến việc gỡ một thương hiệu rất khó trong khi việc tuân thủ pháp luật của các DN rất kém.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tình trạng này vẫn diễn ra dù có doanh nghiệp đầu mối đã ký quy chế phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường để ngăn chặn vi phạm nhãn hiệu. Có doanh nghiệp cũng phải ban hành chuẩn nhận diện thương mại mới hiện đại và khó nhái hơn nhưng vẫn đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn, giải quyết tận gốc để tránh người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Mua xăng dầu lấy hóa đơn như đi siêu thị
Trong khi đầu vào về kinh doanh xăng dầu vẫn còn những "mắt xích" lỏng tạo nguy cơ cho việc hợp thức hóa xăng dầu lậu, kém chất lượng thì việc buông lỏng đầu ra càng tạo thuận lợi cho các đối tượng tiêu thụ.
Thực tế hiện nay, hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều không có hóa đơn bán lẻ cho người mua sau khi trả tiền, điều mà các cửa hàng bán lẻ cũng đang làm được. Trong khi đó, trong tổng số tổng nguồn tiêu thụ nội địa khoảng 22 triệu m3/tấn (dự kiến của năm 2020), lượng xăng dầu bán lẻ ra thị trường cho khách hàng tiêu dùng chiếm tới hơn 60%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - cho rằng khi kiểm soát đầu vào còn nhiều bất cập và khó khăn, do nguồn xăng dầu lậu trên biển diễn biến phức tạp, cách quản lý hiệu quả là quản đầu ra để kiểm soát khối lượng xăng dầu bán ra thực tế tại các cửa hàng xăng dầu.
Một lãnh đạo của Tổng cục Thuế cho biết đang xây dựng chính sách tiến tới áp dụng hóa đơn điện tử cho lĩnh vực xăng dầu. Điều này giúp ai mua xăng cũng được xuất hóa đơn (như mua hàng trong siêu thị), thay vì lấy hóa đơn đỏ như hiện nay. Đồng thời, việc quản lý bằng phần mềm cũng giúp cập nhật số liệu bán lẻ lên hệ thống ngành thuế để kiểm soát.
Cần người tiêu dùng giúp một tay
Sau nghiên cứu bắt đầu năm 2012 - thử nghiệm thiết bị in hóa đơn, nối trực tiếp với bộ điều khiển, hiển thị của trụ bơm - đến năm 2014, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM đưa giải pháp lắp thiết bị ngoại biên, lấy xung từ bộ phận đo lường để in chứng từ mà không can thiệp trực tiếp vào hệ thống điều khiển trụ bơm.
Thông tin trên hóa đơn gồm: tên, địa chỉ cây xăng, thời gian đổ xăng, loại xăng, số lượng, đơn giá, tổng tiền. Toàn bộ số liệu được lưu trữ trong máy để có thể kiểm soát, quản lý và đối chiếu về sau. Chi phí lắp đặt một thiết bị khoảng 8,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, sai số có thể ở mức 1/1.000. Tỉ lệ này rất nhỏ, có thể không ảnh hưởng đến một khách hàng riêng lẻ. Nhưng nếu trên lượng xăng dầu bán ra trong ngày thì độ chênh sẽ khá lớn.
Ông Nguyễn Văn Hà - chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM - cho biết từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều đề xuất cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành 2 thông tư 15/2015/TT-BKHCN và thông tư 08/2018/TT-BKHCN.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, phần lớn người tiêu dùng khá thờ ơ với việc nhận hóa đơn. Ở nhiều cây xăng, nhân viên phải cử người quét giấy là hóa đơn người dân vứt bỏ. "Tham vọng" nhân rộng mô hình và tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua xăng dầu không thành công như kỳ vọng.
TRỌNG NHÂN
* Ông Đào Văn Hùng (phó tổng giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II):
Chất lượng xăng dầu ảnh hưởng nhiều đến xe
Nếu khách hàng mua phải xăng dầu kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ xe, trong đó nhẹ thì giảm công suất, tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn hoặc nặng sẽ gây hư hỏng, thậm chí chết máy xe, không khởi động được. Gặp phải xăng giả, xăng pha chế không đạt tiêu chuẩn thì xe sẽ rất mau hư hỏng hệ thống dẫn nạp nhiên liệu, buồng đốt bị ăn mòn nhanh, thậm chí các xe đời mới không thể khởi động hoặc bị chết máy đột ngột.
* Ông Bùi Ngọc Bảo (quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN):
Tính toán thu thuế ở khâu bán lẻ
Cần yêu cầu tất cả cửa hàng đấu nối trực tiếp cơ quan thuế là phương pháp quản lý chặt nhất. Thuế đóng ở đầu ra là biện pháp triệt để nhất, xăng giả hay xăng nhập lậu cũng khó lọt vào hệ thống bán lẻ. Còn hiện nay thu các khoản thuế, phí xăng dầu là ở doanh nghiệp đầu mối, tức là từ đầu vào, còn cửa hàng chỉ nộp mỗi thuế trị giá gia tăng.
Vài năm trước đây đã có đơn vị niêm phong cột bơm để không chỉnh số được. Nếu tiếp tục quản lý tốt các cửa hàng thì không có đất sống cho buôn lậu. Nếu không nắm được cửa hàng bán lẻ bán ra khối lượng thực bao nhiêu, thất thu thuế có thể rất lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận