Xăng dầu thiếu cục bộ do đâu?
Bên cạnh bất cập trong khâu quản lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn cho biết có bất cập trong việc chậm chuyển đổi số. Chính vì vậy, đã xảy ra việc này việc kia liên quan tới xăng dầu.
Xăng dầu thiếu cục bộ...do chậm chuyển đổi số
Phát biểu tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024, tổ chức ngày 8-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn chứng câu chuyện về quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua để minh chứng cho việc chuyển đổi số giúp đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
“Tôi lấy kinh nghiệm trong điều hành xăng dầu năm 2023. Chúng tôi cứ luôn phải đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại thiếu xăng dầu, bởi sản lượng xăng dầu tự sản xuất ở trong nước chúng ta đã đạt 75%, chỉ nhập khẩu 25%".
Giải thích, Thủ tướng cho rằng, đó là do khâu quản lý không tốt. Giá xăng dầu thì phụ thuộc vào thị trường, nhưng chính vì quản lý không tốt mặc dù làm rất quyết liệt, đặc biệt là quản lý về buôn lậu xăng dầu.
"Trong hạch toán về quản lý kinh doanh xăng dầu, chúng ta đã không hạch toán được vấn đề về lượng xăng dầu trên thị trường do buôn lậu mà có. Nên khi chúng ta đánh vào buôn lậu xăng dầu khiến thị trường thiếu đi nguồn cung. Chúng ta đã không dự tính, dự báo trước được điều này. Nó không nhiều, nhưng vẫn gây thiếu hụt cục bộ như đã thấy", Thủ tướng nói.
Từ tiêu cực trong quản lý dẫn đến thiếu hụt xăng dầu cục bộ, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin hay chuyển đổi số các ngành nói chung và quản lý các ngành nghề nhạy cảm tác động trực tiếp hàng ngày đến người dân.
Ngoài ra, Thủ tướng còn cho biết có bất cập trong việc chậm chuyển đổi số đối với kinh doanh xăng dầu. Theo Thủ tướng, chủ trương đã có từ lâu nhưng thiếu quyết tâm, thiếu nỗ lực. Nên việc ứng dụng thanh toán bằng hóa đơn điện tử đối với xăng dầu bị chần chừ. Chính vì vậy, đã xảy ra nhiều sự việc liên quan tới xăng dầu.
"Do đó, thời gian qua Chính phủ đã rất quyết tâm thực hiện việc này. Đây là kinh doanh có điều kiện, còn bên nào kinh doanh không có điều kiện thì chúng tôi rút giấy phép kinh doanh, phải dứt khoát như thế.
Kết quả là, đến ngày 31-3, chỉ còn 4 cây xăng chưa thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử, khi ấy tôi nói là gia hạn cho thêm 3 ngày nữa. Nếu sau 3 ngày nữa mà không thực hiện thì sẽ rút giấy phép kinh doanh. Cũng may là Chính phủ đã không phải rút giấy phép vì sau đó tất cả đều thực hiện", Thủ tướng nói.
Thu ngân sách tăng 20%
Dẫn chứng thêm số liệu về ngành xăng dầu, Thủ tướng cho biết, theo số liệu từ Bộ Tài Chính, trong tháng đầu tiên áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán, thu ngân sách từ lĩnh vực này đã tăng 20%.
"Nói như vậy để thấy trách nhiệm của việc quyết tâm thực hiện. Điều này cũng cho thấy kinh doanh mặt hàng xăng dầu là có lãi chứ không phải là không có lãi. Lúc đầu thì các doanh nghiệp đưa ra nguyên nhân chậm trễ là do chi phí, rồi hóa đơn điện tử khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp… nhằm cản trở việc này", Thủ tướng khẳng định.
Còn theo số liệu của cơ quan thuế cho thấy, tới cuối tháng 4, hơn 15.930 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước đạt 640.298 tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ 2023.
Thời điểm giữa năm 2022, kéo dài sang năm 2023, đã xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP. HCM và một số tỉnh phía Nam.
Tại miền Bắc và miền Trung, tình trạng này trước đó gần như không diễn ra. Tuy nhiên, sau đó khi các tỉnh thành phía Nam thiếu nguồn cung trầm trọng đã đổ dồn về các tỉnh, thành lân cận để mua xăng dầu, gây áp lực cho rất nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó có Hà Nội.
Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới như đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi hàng giờ. Một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung được chỉ ra là do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, zoom tín dụng hẹp, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thay đổi liên tục, biên độ giá giao động lớn dẫn đến rủi ro cao.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ.
Một vài nguyên nhân khác cũng được đề cập, đó là thiên tai, bão lũ làm chậm các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng dầu về cung ứng cho các đơn vị bán lẻ, hay nạn buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn cũng ảnh hưởng tới phân phối, kinh doanh xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận