Xâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu trong xuất khẩu
TP.HCM đã đặt ra kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Và để thực hiện được điều này, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đặt mục tiêu xuất khẩu phần mềm, dịch vụ số tăng gấp đôi trong vòng 5 năm và các doan
Mục tiêu đã được đưa vào đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đó, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM dự tính đạt 70 tỉ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỉ USD, gấp 2,5 lần so với kim ngạch 40 tỉ USD của năm 2020.
Đáng chú ý, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh trong đề án về việc xuất khẩu nhóm sản phẩm phần mềm, nội dung số. Trong năm 2020 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm phần mềm, nội dung số của TP.HCM ước tính đạt khoảng 5 tỉ USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân tối thiểu của nhóm ngành này là 15%/năm thì dự báo đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên 10,1 tỉ USD và đến năm 2030 có thể đạt 20,3 tỉ USD. Đề án nêu rõ, bản chất ngành công nghiệp phần mềm - nội dung số tại TP.HCM hiện cũng có tính gia công. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của nhóm ngành này lên đến khoảng 65% giá trị xuất khẩu.
Hiện nay, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này của cả nước chiếm chưa đến 1% quy mô thị trường thế giới (tổng giá trị gia công phần mềm của Việt Nam năm 2015 vào khoảng 2,5 tỉ USD - đánh giá của AT Kearney). Lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh trong đề án là phát triển xuất khẩu phần mềm và sản phẩm nội dung số sẽ là thị trường tiềm năng với Việt Nam nói chung, và đặc biệt là TP.HCM nói riêng bởi quy mô thị trường của ngành này là rất lớn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để làm được điều này, TP.HCM phải tạo ra được một hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp phát huy sức sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. TP.HCM đã có Khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung, nên cần phát huy được hết những lợi thế để khuyến khích mọi thành phần doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. TP.HCM cần đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các nhóm ngành xuất khẩu dịch vụ (tài chính, ngân hàng, logistics). Trong đó, việc hình thành một trung tâm tài chính có thể đáp ứng nhu cầu giao dịch trong nước, khu vực và quốc tế cũng hoàn toàn tương thích với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ xuất khẩu tại TP.HCM.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam cần nỗ lực “kéo” các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ. Doanh nghiệp lớn phải phát triển vệ tinh phụ trợ riêng cho mình, lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa có đủ điều kiện để hỗ trợ công nghệ, vốn, cơ sở hạ tầng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Điều này đòi hỏi TP.HCM cần có thêm cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp lớn phát triển vệ tinh trong nước thay vì phải nhập khẩu các sản phẩm, linh kiện từ nước ngoài. Làm được như vậy, các sản phẩm công nghiệp Việt Nam mới có thể gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu mà không bị các doanh nghiệp FDI kéo theo các đơn vị cung ứng ngoại, cạnh tranh với doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay trên chính sân nhà.
Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đề nghị ngành công thương xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như triển khai các chương trình tổng thể xúc tiến công thương, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, phục hồi sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, triển khai 3 chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030; triển khai đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển ngành thương mại điện tử đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là các ngành chủ lực cần có giải pháp, định hướng phát triển trong năm 2021, cũng như giai đoạn 2021-2025.
“Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xây dựng chương trình kích cầu đầu tư các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2025 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách hành chính, tập trung nâng cấp 100% các thủ tục hành chính lên cấp độ 4; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính; Triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu năm 2020” bà Thắng yêu cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận