24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ?

Chiều 6 6, Quốc hội đã nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận ở tổ về Luật Chứng khoán (sửa đổi). Bên cạnh các quy định chuyên môn, nội dung về vị trí, quyền hạn, nhiệm vụ của UBCKNN và mô hình tổ chức Sở GDCK Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm.

Về mô hình tổ chức của UBCKNN, qua thảo luận có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCKNN, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để bảo đảm ổn định, UBCKNN trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần tăng thẩm quyền quản lý nhà nước và bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.

Qua thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết, bởi lẽ việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCKNN là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Trong giai đoạn trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.156 tỷ đồng (chiếm khoảng 22,7% GDP), đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa đạt khoảng 3.961 nghìn tỷ đồng (tương đương 71,6% GDP năm 2018). Dư nợ trái phiếu Chính phủ niêm yết đạt 1.121 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,3% GDP).

Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng hơn rất nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy nhanh theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn trở thành một thị trường tài chính ở trình độ cao, năng động, trước hết thể hiện qua việc nâng cao địa vị pháp lý và tính độc lập của UBCKNN, qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.

UBCKNN độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định Ủy ban chứng khoán có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam.

Một số ý kiến đồng tình với loại ý kiến thứ hai và cho rằng việc UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính vẫn phù hợp để thống nhất đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong quản lý tài chính, tránh sự xáo trộn trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, tại dự thảo luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCKNN đối với TTCK, Sở GDCK và tổ chức lưu ký, bù trừ chứng khoán, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động cho cơ quan này.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, đại diện Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của UBCKNN và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước đối với hoạt động chứng khoán và TTCK, bảo đảm thống nhất với chính tinh thần của Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, theo đó “thể chế, pháp luật cần thể hiện sâu sắc tinh thần đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, xử lý kịp thời, hiệu quả, có tính bền vững cao đối với các vấn đề thực tiễn phát triển của đất nước”.

Nội dung quan trọng khác là về mô hình tổ chức của Sở GDCK (Điều 43 và Điều 44 của dự thảo Luật). Theo Đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam ban hành theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GDCK Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Đa số ý kiến cho rằng quy định như dự thảo luật về thực chất vẫn duy trì hai công ty con (là Sở GDCK Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) hoạt động cùng một ngành nghề, với chức năng, nhiệm vụ tương tự nhau là không hợp lý và đi ngược với xu thế chung của thế giới. Mặt khác, thời gian qua mô hình công ty mẹ - công ty con cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thì cho rằng, việc tổ chức Sở GDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là Sở GDCK Việt Nam, vừa gây bất cập, chồng chéo đối với công tác quản lý, giám sát 2 Sở GDCK Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của cơ quan nhà nước do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là Sở GDCK Việt Nam. Điều này không bảo đảm việc chỉ đạo giám sát kịp thời đối với hoạt động của TTCK, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra các biến động cần có sự can thiệp ngay để bảo đảm an toàn của thị trường.

Vì vậy, việc luật hóa quy định về thành lập thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức Sở GDCK (chỉ có duy nhất Sở GDCK Việt Nam, đặt tại trung tâm tài chính quốc gia) là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.

TTCK Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã tăng gần 17 lần trong vòng 12 năm qua, từ mức 22,7% GDP năm 2006 lên mức 72% trong năm 2018. Huy động vốn của khối doanh nghiệp tư nhân thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp tăng 70% trong năm 2017 và trên 30% trong năm 2018, đạt 86.000 tỷ đồng và đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức huy động vốn qua kênh chứng khoán thành công nhất Đông Nam Á.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết đạt 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, tương đương 20,3% GDP của năm 2018. TTCK phái sinh mặc dù mới ra đời hơn một năm với sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 nhưng đã khẳng định được vai trò với khối lượng bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với năm 2017 và vị thế mở cuối năm đạt gần 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả