24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Lương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Xác định tư cách đại diện theo ủy quyền

Để tránh những rủi ro pháp lý về tính hợp pháp cũng như xác định rõ tư cách đại diện, doanh nghiệp nên nêu rõ là ủy quyền đại diện cho pháp nhân hay cá nhân thuộc tổ chức của pháp nhân.

Tình tiết sự kiện: Công ty Hồng Kông (Nguyên đơn) lập giấy ủy quyền để cho cá nhân là Luật sư Q thuộc Văn phòng luật sư L (Người đại diện) tiến hành giao dịch với Công ty Việt Nam (Bị đơn). Thực tế, một thỏa thuận đã được xác lập giữa Nguyên đơn và Bị đơn thông qua người đại diện. Theo Hội đồng Trọng tài, chủ thể đại diện cho Nguyên đơn là cá nhân Luật sư Q, chứ không phải là Văn phòng luật sư L.

Theo Bộ luật dân sự năm 2005, “đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện” (Điều 139). Liên quan đến Người đại diện theo ủy quyền, khoản 1 Điều 143 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”. Từ quy định này, thực tiễn ở Việt Nam theo hướng, trừ trường hợp pháp luật quy định khác, người đại diện theo ủy quyền không thể là tổ chức (pháp nhân) mà chỉ có thể là cá nhân. Vậy, trong vụ việc nêu trên, ai là người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn?

Ngày nay, Bộ luật dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi về chủ thể có thể là người đại diện. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2015, “đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Điều đó có nghĩa là ngày nay người đại diện có thể là cá nhân hay pháp nhân tùy vào ý chí của các bên. Thực tế cho thấy không hiếm trường hợp chủ thể liên quan không thực sự rõ ràng về người đại diện là pháp nhân hay cá nhân thuộc tổ chức của pháp nhân và vụ việc trên là một ví dụ.

Theo Hội đồng Trọng tài, “VPLS L đã tham gia ký kết Thỏa thuận lập ngày 13/01/2011 đề cập đến biện pháp giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến Hợp đồng nguyên tắc ký ngày 29/08/2007 giữa Nguyên đơn và Bị đơn với tư cách đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn. Căn cứ hồ sơ do Nguyên đơn cung cấp cho thấy chỉ có Thư uỷ quyền đề ngày 04/01/2011 với nội dung nêu trên. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản ủy quyền nào giữa Nguyên đơn và VPLS L.

Xét về mục đích, Thỏa Thuận đề cập đến biện pháp giải quyết tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn. Nói cách khác, chủ thể chính của Thỏa Thuận vẫn là Nguyên đơn chứ không phải VPLS L”. Vẫn theo Hội đồng Trọng tài, “trong trường hợp này, mặc dù khi ký Thỏa thuận ngày 13/01/2011, Luật sư Q ký với tư cách là Trưởng VPLS L, về nội dung, Nguyên đơn tuy đã ủy quyền cho cá nhân Luật sư Q, nhưng có ghi rõ “thuộc VPLS L”.

Do đó, xét về mặt ý chí, Nguyên đơn đã đồng ý ủy quyền cho Luật sư Q là Luật sư thuộc VPLS L, đồng thời địa chỉ của Luật sư Q ghi trong Thư ủy quyền cũng chính là địa chỉ của VPLS L”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đi đến kết luận “Luật sư Q thuộc VPLS L chính là người có đầy đủ tư cách là đại diện theo ủy quyền cho Nguyên đơn trong việc ký kết và thực hiện Thỏa thuận nói trên”.

Từ vụ việc trên, chúng ta có thể rút ra được mấy kinh nghiệm sau liên quan đến việc chỉ định người đại diện:

Thứ nhất, có sự lúng túng trong việc xác định ai là người được ủy quyền: Cá nhân Luật sư Q hay Văn phòng luật sư L? Hội đồng Trọng tài xác định là cá nhân Luật sư Q sau khi phân tích. Để tránh những rủi ro pháp lý về tính hợp pháp cũng như xác định rõ tư cách đại diện, doanh nghiệp nên nêu rõ là ủy quyền đại diện cho chủ thể nào. Trong trường hợp ủy quyền cho một cá nhân thuộc một tổ chức thì nên nói rõ là ủy quyền cho cá nhân để không bị hiểu sang là ủy quyền cho tổ chức.
Thứ hai, khi cá nhân được ủy quyền thuộc một tổ chức (như trong vụ việc trên là thuộc Văn phòng luật sư L) thì khi tiến hành giao dịch thông qua đại diện, cá nhân này cần tách bạch vai trò: Chính cá nhân là người đại diện chứ tổ chức mà cá nhân này trực thuộc không là người đại diện. Vì thế, khi tiến hành giao dịch phải nói rõ người đại diện là cá nhân (để không hiểu người đại diện là tổ chức).
Thứ ba, kinh nghiệm nêu trên được rút ra từ việc xác lập một thỏa thuận sau khi các bên có tranh chấp. Tuy nhiên, bài học này hoàn toàn có giá trị đối với việc xác lập một giao dịch bất kỳ như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ...
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả