menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Đức

Xác định ngân hàng ép khách mua bảo hiểm thế nào?

Nhiều khách hàng bị lấn lướt, mất đi sự bình đẳng trong quan hệ giao dịch với ngân hàng, rơi vào thế bị cưỡng ép tham gia mua bảo hiểm.

Hiện nay, khách hàng giao dịch gửi tiền vay vốn đang được các ngân hàng tích cực chào mời mua bảo hiểm nhân thọ. Nhiều người trong số này cho rằng mình bị ngân hàng ép buộc mua bảo hiểm chứ không có nhu cầu. Trong khi đó phía nhà băng một mực khẳng định không có chuyện ép buộc.

Trong câu chuyện này, rất khó để xác định rạch ròi thế nào là sai hoặc đúng. Cho nên, chúng ta cần phải xuất phát từ những quy định của pháp luật, đồng thời phải nhận diện được hành động, hành vi thực tế trong giao dịch giữa nhân viên ngân hàng với khách hàng để xem xét: liệu khách hàng có bị nhà băng yêu cầu, ép buộc tham gia bảo hiểm hay không?

Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.

Khoản 4, Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn; chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP nêu rõ: Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm; chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm

Khoản 3, Điều 38, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP: Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài; không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Thông tư liên tịch Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước VN số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 2/7/2014 và Thông tư 37/2019/NHNN ngày 31/12/2019 của NHNN cùng hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng quy định khi các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm được thực hiện một, một số hoặc tất cả sáu nội dung, mức độ từ thấp tới cao: Ngân hàng giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm chào bán; ngân hàng chào bán trực tiếp nhưng phải giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cụ thể cho khách hàng có nhu cầu mua; thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm; tham gia thu phí bảo hiểm; thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra kiện cáo.

Đối với nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, không có quy định nào của pháp luật bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ. Nghĩa là, về nguyên tắc, khách hàng không phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn tại các ngân hàng.

Vậy thế nào là ngân hàng ép buộc mua bảo hiểm?

Giao dịch quan hệ của khách hàng với ngân hàng tại thời điểm giao dịch là các quan hệ dân sự. Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, giao dịch dân sự vô hiệu khi không có một trong ba điều kiện: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Có thể hiểu, sự ép buộc hay cưỡng ép xảy ra khi một người bị ngăn cản hành động (hoặc không hành động) theo ý chí tự do. Các hình thức ép buộc có thể thuộc trường hợp bị đe dọa gây tổn hại về thể chất hoặc về kinh tế. Sự ép buộc là áp lực đặt ra đối với một người để buộc người đó thực hiện một hành động mà thông thường họ sẽ không thực hiện, cũng có nghĩa là họ không hoàn toàn tự nguyện...

Để xác định các ngân hàng có hay không việc phạm luật, cần nhận dạng và đánh giá đúng bản chất các hành vi và cách thức khi thực hành bán bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng. Thực tế, ngân hàng thường có các hành vi, cách thức bán bảo hiểm, làm cho khách đến giao dịch, nhất là khi vay vốn, buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ một cách miễn cưỡng, không hoàn toàn tự nguyện, dễ nhận thấy như:

- Khách tới ngân hàng vay tiền, nhân viên ngân hàng yêu cầu cụ thể về mệnh giá hợp đồng phải mua cho phù hợp với mức vay (thường là hàng tỷ đồng) về mức đóng phí cụ thể (thường là hàng chục đến hàng trăm triệu đồng). Khách hàng phải chấp nhận thì nhân viên ngân hàng mới gọi đại lý doanh nghiệp bảo hiểm (có hợp tác) đến phát hồ sơ để làm thủ tục.

- Ngân hàng trực tiếp hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ yêu cầu mua bảo hiểm của khách hàng. Sau đó, nếu thuộc loại không bắt buộc thẩm định, ngân hàng sẽ phát hành hợp đồng bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu bắt buộc thẩm định, ngân hàng sẽ chuyển hồ sơ để doanh nghiệp bảo hiểm thẩm định và phát hành hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trong cả hai trường hợp trên, khách hàng đều không tránh được việc bị chỉ định mệnh giá hợp đồng và mức phí đóng bảo hiểm, cũng như không thể tự chọn lựa doanh nghiệp bảo hiểm mà mình muốn.

Đồng thời, có thể thấy, phần lớn các sản phẩm và hợp đồng bảo hiểm gần như độc lập, không liên quan gì đến sản phẩm của ngân hàng. Nhân viên ngân hàng chủ yếu được huấn luyện về bảo hiểm trong một thời gian ngắn, không đủ điều kiện thời gian để tìm hiểu hết về sản phẩm, cũng như biết hết nội dung điều khoản các hợp đồng do doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn với ngôn ngữ chuyên môn phức tạp. Điều đó dẫn đến khả năng tư vấn sai, không đầy đủ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm.

Có thể nói, khách hàng luôn bị ngân hàng lấn lướt, mất đi sự bình đẳng trong quan hệ giao dịch, bị đặt vào thế bị cưỡng ép tham gia mua bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của ngân hàng mà không hoàn toàn tự nguyện.

Có thể nhận thấy rất rõ ràng rằng trong lúc thực hành nghiệp vụ, nhất là khi cho vay vốn, ngân hàng thường áp dụng những phương cách cụ thể gắn chặt với việc bán bảo hiểm nhân thọ theo hợp đồng liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm, đó là ban hành các điều kiện: không cho vay khi khách không mua bảo hiểm nhân thọ; không mua bảo hiểm thì mức lãi suất sẽ cao hơn bình thường; sau khi mua bảo hiểm, trong thời gian 21 ngày, nếu khách hàng thực hiện quyền hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì sẽ bị điều chỉnh lại mức lãi suất thành cao hơn.

Đương nhiên những điều kiện này khách hàng đều phải chấp thuận và cầm bút ký tên, vì nó được in sẵn trong hợp đồng vay vốn. Vị thế của khách hàng vì thế khó có thể thỏa thuận để thay đổi được.

Khi ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, sẽ phát sinh các hợp đồng bảo hiểm không theo ý muốn người mua, nhiều hợp đồng sẽ bị hủy ngang do người mua không hài lòng với giao dịch không tự nguyện, vì mệnh giá bảo hiểm và mức phí không phù hợp với khả năng tài chính thông thường, hoặc mua phải sản phẩm không phù hợp do nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng... Lâu dần, nó sẽ dẫn tới ảnh hưởng quyền lợi các bên liên quan và người thiệt nhất vẫn là những khách hàng bị ép mua bảo hiểm nhân thọ vì mất tiền mà không mang lại lợi ích gì.

Nhận diện để chấn chỉnh nhằm bảo đảm việc ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ đúng đắn, không ép buộc và bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng là yêu cầu rất cấp bách. Việc này không chỉ đơn thuần trông chờ vào sự tuân thủ pháp luật của các nhà băng, hay chờ khi có khiếu kiện của khách hàng mới xử lý, mà đòi hỏi cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, thông qua bộ máy thanh tra giám sát, thực sự quan tâm và có các biện pháp cụ thể trong thực tế để quản lý các ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
3 Yêu thích
7 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại