Xã hội hóa dịch vụ công: Lo ngại rủi ro chính sách
Nhiều doanh nghiệp tư nhân khẳng định, điều lo lắng nhất với họ khi đầu tư cung cấp dịch vụ công chính là rủi ro chính sách.
Thủ tục hành chính “làm khó” doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VinaCert cho biết, tư nhân có thể sau một đêm là mất nghiệp, bởi những quy định của pháp luật hoặc đôi khi chỉ là một văn bản hành chính.
Chẳng hạn trước năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất nhưng đùng một cái Luật Thủy sản (2017) ra đời, điều kiện sản xuất giống thủy sản lại phải chứng nhận như chứng nhận điều kiện sản xuất và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước (có phân cấp đến địa phương).
“Như vậy có khi chỉ sau một đêm, tất cả vốn liếng đầu tư đã trở thành vô nghĩa rồi. Đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư. Mất nghiệp chỉ bởi một quy định thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa”, ông Dũng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kể lại rằng, "vào năm 2005, tôi xin chủ chương làm y tế, xây bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của các cán bộ, công chức.
Khi ấy, nhiều quan chức nói với tôi rằng: ông này vớ vẩn, có bằng cấp đâu mà làm. Thế rồi chúng tôi cũng cứ cố gắng, làm mọi thủ tục, xin chủ trương, xin cấp đất. Đến khi bệnh viện Hợp lực ra đời thì bị ngành y tế bao vây, chặn chuyển tuyến, bác sĩ về bệnh viện bị nói xấu. Nhưng tôi vẫn cố gắng, vừa kiến nghị với tỉnh, lại kiến nghị lên Trung ương nên đã có nhiều thay đổi trong việc xã hội hóa ngành y tế. Hiện nay ai lập bệnh viện tư nhân cũng dễ hơn nhiều”, ông Nguyễn Văn Đệ nhớ lại.
Đối với vấn đề dịch vụ y tế, ông Đệ lại kể một câu chuyện khác: “Chị Tiến (Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế - PV) vừa rồi vào thăm bệnh viện Hợp Lực ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, chị ấy hỏi tôi: Anh báo cáo xây bệnh viện hết 700 tỷ. Thực tế anh làm hết bao nhiêu? Chị ấy hỏi thật thì tôi cũng phải báo cáo là chưa tới 700 tỷ. Nhưng nếu nhà nước làm chắc chắn phải 700 tỷ”.
Từ đây, ông Nguyễn Văn Đệ đặt ra vấn đề với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng phải xem xét lại định mức đầu tư.
“Một cái máy tôi mua 20 tỷ đồng. Vậy mà giá đề nghị của Nhà nước cao hơn nhiều, lên tới gần 40 tỷ đồng. Vậy chúng ta nộp thuế lên để làm gì? Nộp thuế vào ngân sách để rồi cán bộ, công chức cứ đưa số tiền thuế đó vào các dự án đầu tư công nhằm hưởng lợi.
Trong kinh doanh hiện nay có hai thái cực, một bên kiếm lời cấp tốc, một bên hưởng lời lai rai. Ai hưởng cái lai rai? Chắc chắn là tư nhân, còn Nhà nước là lời cấp tốc. Bởi vì tư duy nhiệm kỳ, tôi chỉ có 5 năm thôi, làm nhanh để quyết toán. Tư nhân thì 3-5 năm đầu là bù lỗ, từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu chắt chiu để có lãi, nhưng rồi lại phải nuôi cán bộ”, ông Đệ bày tỏ ý kiến.
Tư nhân làm tốt, sao không để họ làm?
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) nêu điển hình, trong lĩnh vực hàng không, nhờ có sự tham gia của những “người chơi mới” như BamBoo Airways đã khiến cho các doanh nghiệp Nhà nước buộc phải chuyển mình.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trước đây, nguồn vốn đầu tư cho chủ yếu do Nhà nước cấp, tuy nhiên, trong bối cảnh trần nợ công tăng cao và các nguồn vốn vay ưu đãi đã hết, thì việc huy động tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông và có nhiều hơn các tuyến đường cao tốc…
“Việc tư nhân tham gia vào bóng đá như tài trợ cho các câu lạc bộ, mở trung tâm đào tạo hay tài trợ cho đội tuyển quốc gia đã thu được những thành công rất lớn. Hay trong câu chuyện hàng không, khi có sự tham gia của VietJet Air và mới đây là Bamboo thì Vietnam Airlines buộc phải chuyển mình, cung cấp các dịch vụ tốt hơn. “Tôi là người bay Vietnam Airlines nhiều và tôi thấy rõ điều đó”, ông Tuấn khẳng định.
Rõ ràng, việc khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công, không chỉ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị mà còn tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ cũng đều phải nỗ lực để đưa ra được chất lượng tốt với giá thành phải chăng, ông Tuấn nêu rõ.
Phải tin tưởng doanh nghiệp, phải nói thẳng, nói thật với nhau
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, cần phải mạnh dạn xã hội hóa, tin tưởng doanh nghiệp để ra được chính sách tốt.
“Ngay như Luật Khám chữa bệnh đang chuẩn bị ban hành, Chính phủ cấm ra giấy phép con, nhưng trong đó cũng lồng nhiều lắm. Nào là kinh nghiệm 5 năm, nào là chế độ quản lý, rồi quá trình thẩm định. Mà luật ghi là 15 ngày, nhưng không phải đâu, cứ phải 3 tháng hoặc 6 tháng. Doanh nghiệp thì suốt ngày khóc lóc nhưng không biết tiếng khóc có lên được Thủ tướng không?”, ông Nguyễn Văn Đệ đặt câu hỏi.
Theo ông Đệ, nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm. Cán bộ làm khó tốt được. Dẫn lại ý kiến từng được chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp trước đây, ông nói: “Có những vấn đề hư hỏng gì thì là từ khâu tổ chức cán bộ. Người tài vào nhà nước giờ ít, còn lại thì là người lọ mọ kiếm lợi từ chính sách thì nhiều”.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu bỏ bớt điều kiện kinh doanh, nhưng nhiều Bộ, ngành lại gom 3 hoặc 4 điều kiện kinh doanh làm một.
“Anh nào mềm rồi cũng xong, nhưng anh nào cứng thì lại gặp phải kiểu đi hỏi Bộ. Doanh nghiệp có hỏi thì Bộ bảo: Cứ đúng pháp luật mà làm. Giờ người ta đá bóng hay lắm, còn doanh nghiệp chả biết hỏi ai. Thủ tướng thì bận, suốt ngày nhắn tin thì Thủ tướng cũng khổ.
Có những cái giờ muốn đầu tư thì vướng quy định rất vớ vẩn. Ví dụ mấy chục hecta là phải ra bộ xin ý kiến. Doanh nghiệp muốn đầu tư lớn, làm to cũng khó. Vậy nêndoanh nghiệpcứ làm nho nhỏ để tỉnh thẩm định cho nhanh. Nhưng cũng cần đổi mới thì mọi việc sẽ rất nhanh chóng, tiện lợi”, ông Đệ nói.
Từ những câu chuyện, trải nghiệm trong quá khứ, ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất: “Giờ phải nói thẳng nói thật với nhau mới phát triển được, chứ cứ nịnh nhau thì không được đâu. Chính phủ vẫn nói cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước thôi. Tuy vậy, các dịch vụ công hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa nhà nước và tư nhân. Trong cuộc cạnh tranh này, tư nhân không cân sức với nhà nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, một bên doanh nghiệp lấy vốn, trí tuệ, công sức, huy động anh em, họ hàng còn một bên doanh nghiệp lấy ngân sách để làm. Vậy nên, doanh nghiệp tư nhân lúc nào cũng khổ, muốn vượt lên thì phải chấp nhận nhiều yếu tố tiêu cực, luồn lách. Và điều này trở thành một nguy cơ đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận