24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đồng Khoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước

World Bank khuyến cáo Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới cần hỗ trợ, thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện khi chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều ghi nhận tăng trưởng tháng thứ 3 liên tiếp. Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những khuyến cáo về chính sách tài khóa cũng như chính sách sống chung với Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Số liệu cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,5% so với cùng kỳ tháng trước, một phần nhờ các hoạt động kinh tế được khôi phục ở các tỉnh thành phía Nam, bao gồm cả ở TP.HCM với mức tăng 13,3% so tháng trước.

Với sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp đã vượt mức được ghi nhận của cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng năng động nhất là sản xuất, chế biến thực phẩm, thuốc lá, dệt may, sản phẩm cao su và plastic và kim loại, với tốc độ tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cũng tăng trưởng tốt ở mức 8,5% so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đạt mức 52,2 trong tháng 11, tương đương với tháng 10 và cao hơn ngưỡng trung tính 50,0 cho thấy tiếp tục có sự cải thiện về tình hình kinh tế.

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 5,5% so với tháng trước

Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

Trong tháng 11, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 45% so với tháng trước và là tháng tăng thứ hai kể từ tháng 5 cho tới nay. Mặc dù số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng, nhưng tốc độ chậm hơn so với số lượng doanh nghiệp gia nhập. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao hơn số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

"Cải thiện chung về tình hình đăng ký doanh nghiệp có thể nhờ giảm được những chậm trễ trong hoạt động đăng ký thành lập mới và giải thể doanh nghiệp do giãn cách gây ra", báo cáo nêu. Ngoài ra, theo World Bank, tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập ròng cao hơn có thể do tình hình kinh tế được cải thiện.

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước
Doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng trưởng tích cực trong tháng 11

Vốn FDI vẫn được giữ vững

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tăng 71,2% trong tháng 11 sau khi giảm trong tháng 10 nhờ đầu tư vào các lĩnh vực chế biến và chế tạo phục hồi. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 26,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với con số cùng kỳ năm 2020.

Giải ngân vốn FDI tiếp tục phục hồi sau khi giảm mạnh trong quý III với mức tăng 4,3% trong tháng 11, nhưng vẫn chưa quay lại mức ghi nhận năm trước đó. Lũy kế 11 tháng năm 2021, giải ngân vốn FDI thấp hơn 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước
Vốn FDI được duy trì trong tháng 11

Lạm phát tăng nhẹ

Sau 2 tháng giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước đó. Theo World Bank, xu hướng này một phần phản ánh chi phí nhóm giao thông cao hơn (3,1% so tháng trước) do giá nhiên liệu tăng cao, bên cạnh đó, nhu cầu trong nước về các sản phẩm ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistics gia tăng. Giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng đi xuống, giảm 0,2% so với tháng trước nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định.

Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 2,1%, nhỉnh hơn so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0% của Ngân hàng Nhà nước.

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng trước đó

Tăng trưởng tín dụng và lãi suất qua đêm duy trì ổn định

Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 13,9% trong tháng 11 (so cùng kỳ năm trước), tương đương với mức tăng trong tháng 10 và tháng 9. "Tốc độ tăng trưởng tín dụng này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, qua đó cung cấp thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng", World Bank đánh giá.

Và với tín dụng tăng trưởng ổn định, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng được giữ ở mức bình quân 0,63%, tương đương với lãi suất trong tháng 9 và tháng 10.

World Bank: Cần nguồn lực thúc đẩy từ khu vực tư nhân để khôi phục kinh tế trong nước
Tăng trưởng tín dụng ổn định trong tháng 11

Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa

Tính đến cuối tháng 11, thặng dư ngân sách tăng lên mức 120,3 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,2 tỷ USD) nhờ bội thu 45,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,0 tỷ USD) trong tháng 11. Tổng thu ngân sách tháng 11 ước tăng 12,3% so với tháng trước và 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân một phần là do một số khoản thuế và tiền thuê đất đã hết thời hạn được gia hạn.

Lũy kế 11 tháng, tổng thu cao hơn 3,4% so với dự toán năm 2021. Tổng chi ngân sách trong tháng 11 tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước - đây là lần tăng đầu tiên tổng chi ngân sách tăng kể từ tháng 4/2021, nhờ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (tăng trên 150% so cùng kỳ năm trước).

Mặc dù vậy, tổng chi ngân sách trong 11 tháng năm 2021 vẫn thấp hơn 7,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% dự toán. Chi ngân sách giảm do chi thường xuyên và chi đầu tư đều giảm, lần lượt đạt 5,8% và 12,3% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực mà nền kinh tế đạt được trong tháng qua, nhóm nghiên cứu World Bank đã chỉ ra một số điểm cần theo dõi trong tháng cuối năm và những tháng tiếp theo.

Cụ thể, theo World Bank, chính sách sống chung với Covid-19 đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải tiếp tục thận trọng và hành động nhanh chóng. "Mặc dù tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm đang có xu hướng giảm, nhưng số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin, các biện pháp thận trọng về giãn cách xã hội, xét nghiệm và cách ly y tế vẫn có vai trò quan trọng để tránh dẫn đến một làn sóng lây nhiễm mới, ảnh hưởng đến sinh mạng và buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới", báo cáo nhấn mạnh.

Về chính sách tài khóa, World Bank cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần hỗ trợ, thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng.

"Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính", World Bank cho hay./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả