Wi-Fi sắp có thay đổi lớn nhất 20 năm qua
Thay đổi này có thể khiến những thiết bị Wi-Fi mới hoạt động tốt hơn hẳn ngay trong năm 2020.
Thay đổi này có thể khiến những thiết bị Wi-Fi mới hoạt động tốt hơn hẳn ngay trong năm 2020.
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hôm 23/4 đã bỏ phiếu cho phép sử dụng dải băng tần Wi-Fi 6 GHz mà không cần xin phép (unlicensed use). Như vậy là bên cạnh 2,4 GHz và 5 GHz, những thiết bị Wi-Fi trong tương lai sẽ có thể sử dụng băng tần mới 6 GHz cho tốc độ nhanh và ổn định hơn.
Theo The Verge, đây là bước tiến lớn nhất từ khi FCC "dọn dường" giúp Wi-Fi phổ biến từ năm 1989. Về lý thuyết, băng tần 6 GHz có băng thông gấp 4 lần giúp các thiết bị như router, smartphone, tablet... kết nối và giao tiếp một cách ổn định hơn.
Với quyết định của FCC, những thiết bị đầu tiên hỗ trợ Wi-Fi 6 GHz (Wi-Fi 6E) sẽ bán ra thị trường vào cuối năm 2020. Cùng tìm hiểu xem bạn sẽ hưởng lợi gì nhờ băng tần mới.
Tốc độ kết nối ổn định hơn
Nếu từng gặp tình trạng tốc độ mạng chậm dù tín hiệu kết nối vẫn tốt, nhiều khả năng nguyên nhân đến từ băng tần sử dụng. Quá nhều thiết bị truy cập cùng lúc ở cùng băng tần sẽ khiến tốc độ suy giảm. Không chỉ vậy, nhiều mạng Wi-Fi ở một băng tần cũng khiến thiết bị của bạn gặp khó khăn khi kết nối.
Vấn đề trên sẽ được giải quyết với Wi-Fi 6E. Không chỉ có băng tần mới, Wi-Fi 6E còn hỗ trợ tối đa 7 luồng Wi-Fi ở dung lượng cao nhất được phát đồng thời nhằm giảm tình trạng nhiễu tín hiệu, tính năng không có ở băng tần 2,4 GHz hay 5 GHz.
Cụ thể hơn, FCC sẽ mở phổ tần 1.200 MHz cho băng tần 6 GHz. Trong 20 năm qua, mạng Wi-Fi chỉ hoạt động ở phổ tần khoảng 400 MHz chia ra nhiều kênh.
Wi-Fi hoạt động dựa trên sóng radio. Hiện có 2 băng tần Wi-Fi là 2,4 GHz và 5 GHz. Vào cuối năm nay, băng tần thứ 3 ở mức 6 GHz sẽ chính thức hoạt động.
Nếu băng tần 2,4 GHz có thể phát tín hiệu đi xa hơn thì băng tần 6 GHz truyền tải dữ liệu nhanh hơn. Là một trong những người sở hữu thiết bị Wi-Fi 6E đầu tiên, bạn sẽ tận hưởng tốc độ và băng thông kết nối rất cao do chưa nhiều người trang bị hệ thống Wi-Fi 6E.
Tuy nhiên khi có nhiều thiết bị kết nối và tương thích, việc có phổ tần rộng hơn sẽ giúp Wi-Fi 6E hoạt động ổn định và nhanh hơn so với các băng tần hiện nay.
Wi-Fi 6E có nhanh hơn không?
Về lý thuyết, Wi-Fi 6E có tốc độ tối đa 9,6 Gbps, tương đương Wi-Fi 5 GHz. Đó cũng là tốc độ tối đa của Wi-Fi 6, chuẩn Wi-Fi mới nhất hiện nay.
Dù chưa thể trải nghiệm tốc độ ấy, băng tần mới vẫn sẽ cải thiện tốc độ mà bạn đang sử dụng hiện nay. Do phổ tần của Wi-Fi 5 GHz khá hẹp nên tốc độ mạng sẽ ảnh hưởng khi có nhiều thiết bị kết nối cùng lúc. Với Wi-Fi 6E, phổ tần rộng sẽ giúp router phát tín hiệu ở tốc độ cao nhất mà các kênh hỗ trợ.
Như vậy với chuẩn Wi-Fi mới, tốc độ kết nối trên smartphone có thể lên đến 1-2 Gbps. Đó cũng là tốc độ dự kiến của mạng không dây 5G mmWare. Tất nhiên tốc độ mạng còn phụ thuộc vào nhà cung cấp và gói cước Internet của bạn.
Thiết bị Wi-Fi 6E sẽ có mặt cuối năm nay
Dự kiến những thiết bị đầu tiên sử dụng Wi-Fi 6E sẽ ra mắt vào quý IV năm nay. Tuy nhiên việc triển khai rộng rãi sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2021 khi Hiệp hội Wi-Fi mở rộng chứng nhận các thiết bị Wi-Fi 6E.
Hiện một số nhà sản xuất đã có những động thái đầu tiên liên quan đến Wi-Fi 6E. Hãng chip Broadcom đã giới thiệu chip xử lý di động hỗ trợ Wi-Fi 6E, trong khi Qualcomm cũng hứa trang bị công nghệ Wi-Fi mới cho những thiết bị không dây trong tương lai. Intel cũng cho biết chip xử lý hỗ trợ Wi-Fi 6E sẽ trình làng vào tháng 1/2021.
Trong khi đó, 2 nhà sản xuất router lớn là Linksys và Netgear cũng xác nhận kế hoạch ra mắt sản phẩm Wi-Fi 6E. Đối với thiết bị đầu cuối, smartphone sẽ là những thiết bị đầu tiên trang bị chuẩn Wi-Fi mới.
Theo nhà phân tích Phil Solis từ IDC, ước tính có 316 triệu thiết bị Wi-Fi 6E được xuất xưởng trong năm 2021. Sau smartphone sẽ là những thiết bị điện tử như tablet và TV trong năm 2022. Solis dự đoán smartphone sẽ đóng vai trò quan trọng giúp phổ biến Wi-Fi 6E bởi càng nhiều người sử dụng smartphone cho công việc, học tập.
Làm sao để biết sản phẩm tương thích với Wi-Fi 6E?
Nếu mua smartphone hoặc laptop với chuẩn Wi-Fi 6, bạn sẽ thấy dòng chữ Wi-Fi 6 in trên hộp. Tuy nhiên Wi-Fi 6 vẫn chỉ sử dụng phổ tần cũ. Để biết nếu thiết bị sử dụng chuẩn Wi-Fi 6E với phổ tần rộng hơn, bạn sẽ thấy dòng chữ Wi-Fi 6E (Wi-Fi 6 mở rộng với băng tần 6 GHz) in trên hộp.
Tất cả thiết bị Wi-Fi 6E sẽ tương thích với thiết bị Wi-Fi cũ, và nếu muốn trải nghiệm toàn bộ lợi ích của Wi-Fi 6E, bạn sẽ cần mua router Wi-Fi 6E, đồng thời nâng cấp gói mạng Internet nếu cần thiết.
Trở ngại của Wi-Fi 6E
Dù có rất nhiều lợi ích, khó khăn của Wi-Fi 6E chính là việc người dùng phải nâng cấp cả router và thiết bị đầu cuối, và chi phí nâng cấp sẽ không hề rẻ. Ngược lại, Wi-Fi 6E vẫn tương thích ngược với Wi-Fi cũ, tất nhiên với tốc độ, băng thông của Wi-Fi cũ.
Việc cấp phép băng tần mới cũng phụ thuộc vào từng quốc gia. Tại Mỹ, FCC đã cấp phép hoạt động cho băng tần 6 GHz, tuy nhiên một số nước châu Âu cần chờ quyết định từ Ủy ban châu Âu và chính phủ từng quốc gia. Điều đó nghĩa là vấn đề pháp lý có thể ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai Wi-Fi 6E.
Cuối cùng, nếu hoạt động trong khu vực băng tần 6 GHz được cấp phép cho mục đích khác, router sẽ cần kích hoạt tính năng điều chỉnh tần số tự động để đảm bảo không xung đột với băng tần 6 GHz đang có.
Về lý thuyết, Wi-Fi 6E không ảnh hưởng gì đến 5G. Tuy nhiên về kỹ thuật, FCC không cấp phép cho băng tần Wi-Fi mới, mà chỉ cho phép băng tần hoạt động không cần xin phép, nghĩa là ai cũng có thể sử dụng băng tần mới.
Nhiều thiết bị và công nghệ khác cũng đang sử dụng băng tần 6 GHz, chúng có thể kết nối chồng chéo và ảnh hưởng đến chất lượng kết nối. 5G là một trong số đó.
Trong quá khứ, nhiều nhà mạng đã sử dụng các phổ tần không cấp phép để phát triển mạng không dây LTE. Nhiều khả năng điều đó sẽ tiếp tục với mạng 5G.
Hiện còn quá sớm để nói 5G có ảnh hưởng đến kết nối Wi-Fi 6E hay không. Theo Solis, băng tần 6 GHz có rất nhiều phổ tần khác nhau, do đó cả Wi-Fi 6E và 5G có thể hoạt động mà không xung đột hoặc ảnh hưởng lẫn nhau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận