WHO: Trong 3 tháng tới, thêm 236.000 người có thể sẽ chết vì COVID-19 ở châu Âu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua cảnh báo khả năng có thêm 236.000 người tử vong vì COVID-19 ở châu Âu từ nay đến ngày 1/12.
Nhiều quốc gia châu Âu đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng lên khi biến thể Delta tiếp tục hoành hành, chủ yếu ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng.
Các quốc gia nghèo hơn, đặc biệt ở Balkan, Caucasus và Trung Á, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và số người chết cũng đang gia tăng.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge hôm nay, 30/8, cho biết: “Tuần trước, số ca tử vong trong khu vực đã tăng 11%.”
"Có một dự báo đáng tin cậy, là châu Âu có thể sẽ ghi nhận thêm 236.000 ca tử vong vì COVID-19 từ nay tới ngày 1/12."
Đến thời điểm hiện tại, châu Âu đã ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca tử vong vì COVID-19.
Trong số 53 quốc gia thành viên của WHO Châu Âu, có 33 quốc gia đã ghi nhận tỉ lệ mắc mới lớn hơn 10% trong hai tuần qua, ông Kluge cho biết, hầu hết là ở các nước nghèo hơn.
Tỉ lệ lây lan cao trên khắp châu lục là “vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi tỉ lệ tiêm chủng trong nhóm ưu tiên ở một số quốc gia còn khá thấp”.
Biến thể Delta cũng là một nguyên nhân, cùng với việc "nới lỏng quá mức" các lệnh hạn chế và tình trạng gia tăng du lịch vào mùa hè.
Khoảng một nửa dân số khu vực châu Âu của WHO đã được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng tỉ lệ tiêm đang chậm lại.
“Trong sáu tuần qua, tỉ lệ này đã giảm 14% do một số quốc gia bị hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin, và một số quốc gia khác người dân lại bài vắc-xin.”
Chỉ có 6% dân số các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp hơn ở châu Âu được tiêm đủ liều. Thậm chí ở một số quốc gia chỉ có 10% nhân viên y tế được tiêm chủng.
Ông Kluge kêu gọi các quốc gia châu Âu đang dư thừa vắc xin chia sẻ với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Âu và châu Phi.
Đáng chú ý, đại diện WHO Châu Âu cũng phản đối việc Tổng Giám đốc WHO toàn cầu kêu gọi các nước tạm dừng tiêm vắc-xin liều tăng cường. "Liều tăng cường không phải là món đồ xa xỉ bị cướp khỏi tay những người chưa được tiêm liều đầu tiên. Về cơ bản, đó chỉ là cách để bảo vệ nhóm những người dễ bị tổn thương nhất."
"Chúng ta phải cẩn thận một chút với việc tiêm liều tăng cường vì vẫn chưa có đủ bằng chứng", ông nói thêm. “Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy liều thứ ba sẽ giúp đảm bảo an toàn cho những người dễ bị tổn thương, và điều này đang được các quốc gia trong khu vực châu Âu thực hiện ngày càng nhiều."
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận