WHO tiếp tục thúc giục Trung Quốc hợp tác để điều tra nguồn gốc COVID-19
Ngày 12/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thúc giục Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô về những ca mắc COVID-19 ban đầu để có thể tiếp tục thực hiện cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19.
WHO nhấn mạnh rằng việc “cực kỳ quan trọng” là phải tìm ra nguồn gốc đại dịch của thế kỷ, cho đến nay đã giết chết ít nhất 4,3 triệu người và tàn phá nền kinh tế toàn cầu kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Trước sự phản đối từ Bắc Kinh, WHO kêu gọi cung cấp “tất cả số liệu và cho phép tiếp cận đầy đủ để những nghiên cứu tiếp theo có thể bắt đầu càng sớm càng tốt”.
Sau rất nhiều trì hoãn, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1 năm nay để hoàn thành báo cáo giai đoạn đầu, cùng với sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc.
Báo cáo đó không đưa ra kết luận chắc chắn nào, mà chỉ xếp hạng 4 giả thuyết.
Báo cáo nói rằng virus lây từ dơi sang người thông qua động vật trung gian là khả năng dễ xảy ra nhất, còn khả năng rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”.
Tuy nhiên, kết luận này bị chỉ trích vì thiếu minh bạch và tiếp cận dữ liệu, cũng như không đánh giá sâu hơn về giả thuyết sự cố phòng thí nghiệm.
Tháng trước, WHO đề xuất tiến hành cuộc điều tra giai đoạn hai để kiểm toán các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trung Quốc nổi giận trước đề xuất này. Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Zeng Yixin nói rằng kế hoạch cho thấy “sự thiếu tôn trọng hiểu biết cơ bản và ngạo mạn với khoa học”.
Trong tuyên bố về việc thúc đẩy giai đoạn nghiên cứu thứ hai, WHO khẳng định rằng cuộc tìm kiếm này không phải để đổ lỗi hay ghi điểm chính trị.
“Các nghiên cứu tiếp theo có thể bao gồm việc kiểm tra kỹ hơn dữ liệu thô về những ca mắc đầu tiên và huyết thanh từ những trường hợp ban đầu hồi năm 2019. Tiếp cận dữ liệu là việc vô cùng quan trọng để nâng cao hiểu biết của chúng ta trong khoa học”, WHO khẳng định.
WHO cho biết họ đang làm việc với nhiều quốc gia có báo cáo phát hiện SARS-CoV-2 trong các mẫu tiêu bản sinh học lưu trữ từ năm 2019.
Ví dụ, tại Italy, WHO cho tiến hành một đánh giá độc lập do các phòng thí nghiệm quốc tế thực hiện, bao gồm việc kiểm tra lại các mẫu máu thu thập từ trước khi đại dịch bùng lên.
“Chia sẻ dữ liệu thô và cho phép xét nghiệm lại các mẫu máu trong phòng thí nghiệm ngoài Italy phản ánh sự đoàn kết trong khoa học là việc tốt nhất và không khác gì việc chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia, bao gồm Trung Quốc, ủng hộ để chúng tôi có thể tiến hành các nghiên cứu về nguồn gốc dịch bệnh sớm và hiệu quả”, WHO nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận