WHO: Khả năng lây nhiễm tăng lên đáng kể, biến thể Delta đang chi phối toàn cầu
Delta đang trở thành biến thể Covid-19 gây bệnh lây lan trên toàn thế giới, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá.
Trong buổi họp báo diễn ra tại trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva hôm 18/6, bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO lý giải, Delta - biến thể Covid-19 rất dễ lây lan và được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ - lấn át toàn cầu là do khả năng lây nhiễm của nó "tăng lên đáng kể".
Các nghiên cứu cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 60% so với Alpha - biến thể lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh với khả năng lây lan cao hơn so với biến thể ban đầu xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019.
Tình hình dịch bệnh toàn cầu "rất biến động vì các biến thể hiện nay", bà Soumya Swaminathan nói thêm.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, biến thể Delta đã lan rộng đến hơn 80 quốc gia và tiếp tục đột biến khi lan rộng trên toàn cầu. Hiện biến thể Delta chiếm 10% tổng số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ, so với mức 6% ghi nhận tuần trước, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm 18/6 kêu gọi người Mỹ tiêm vaccine kháng Covid-19 bởi bà cho rằng Delta sẽ trở thành biến thể Covid-19 lấn át tại nước này.
Nếu được tiêm phòng vaccine, "bạn sẽ được bảo vệ khỏi biến thể Delta", bà Walensky nói.
Trong khi đó, Vương quốc Anh gần đây cũng chứng kiến biến thể Delta chi phối dịch bệnh nước này, vượt qua biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở nước này vào mùa thu năm ngoái. Biến thể Delta hiện chiếm hơn 60% các ca nhiễm mới ở Vương quốc Anh.
Tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố Delta là một "biến thể đáng lo ngại". Theo cơ quan này, một biến thể được xem là "đáng lo ngại" nếu nó được chứng minh là dễ lây lan hơn, gây tử vong cao hơn hoặc kháng nhiều loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.
Giữa tuần này, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết đã có các báo cáo khẳng định biến thể Delta gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng cần phải nghiên cứu thêm để xác thực những kết luận này. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy biến thể Delta có thể gây ra các triệu chứng khác với các biến thể trước.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cho biết các nhà khoa học vẫn cần thêm dữ liệu về biến thể Delta, bao gồm cả tác động của nó đến hiệu quả sử dụng của vaccine kháng Covid-19.
Đầu tuần này, hãng dược Đức CureVac đã lý giải, các biến thể hiện nay là một trong những lý do khiến vaccine kháng Covid19 của họ chỉ đạt hiệu quả 47% trong cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 40.000 người.
Trong khi đó, một phân tích mới đây từ Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE) thuộc Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh chỉ ra rằng vaccine Covid-19 hai liều của liên doanh Pfizer-BioNTech và hãng dược AstraZeneca đạt hiệu quả cao khi sử dụng cho các trường hợp nhập viện do nhiễm biến thể Delta.
"Có bao nhiêu người đang bị nhiễm bệnh và trong số đó có bao nhiêu người phải nhập viện và diễn biến nặng?" bà Swaminathan băn khoăn. "Đây là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất cẩn thận", chuyên gia WHO nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận