WHO gợi ý 3 yếu tố giúp Việt Nam sống chung Covid-19
Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng để sống chung an toàn với Covid-19, Việt Nam cần bao phủ tiêm chủng, tăng cường năng lực y tế và ý thức người dân.
Hôm 8/10, tiến sĩ Park nói đại dịch vẫn sẽ tiếp diễn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, do đó các nước cần tìm cách sống chung an toàn với nó. Theo ông Park, Chính phủ có thể xem xét ưu tiên các hoạt động sau đây để tiến tới mở cửa an toàn.
Đầu tiên, cần bao phủ vaccine cho các nhóm ưu tiên, đặc biệt là nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu ứng phó với đợt bùng phát dịch, người cao tuổi và những người có bệnh lý tiềm ẩn. Ngoài ra, cần ưu tiên tiêm chủng hơn cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch, nơi hệ thống y tế còn hạn chế.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại gia đình, trường học, nơi làm việc... thông qua thực hành các biện pháp bảo vệ cá nhân và các biện pháp y tế công cộng làm giảm sự lây truyền, ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa năng lực hệ thống y tế để quản lý tốt hơn bệnh nhân Covid-19 nặng, đồng thời đưa ra lộ trình và mô hình chăm sóc phù hợp để tránh quá tải bệnh viện đối với các ca nhẹ và trung bình.
Bên cạnh đó, đối với mỗi cá nhân, mọi người cần tiếp tục bảo vệ bản thân bằng cách tiêm chủng, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, tránh những nơi thông khí kém, rửa tay và vệ sinh đường hô hấp, ông Park nói.
Tình hình dịch bệnh đang có xu hướng hạ nhiệt trên toàn Việt Nam. Hôm 8/10 là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm toàn quốc dưới 5.000 ca. Tại TP HCM, tâm dịch của đợt bùng phát thứ 4, số ca bệnh mới giảm, số xuất viện nhiều hơn số ca nhập viện hàng ngày, một số bệnh viện dã chiến đã hoàn thành sứ mệnh, các lực lượng chi viện đang dần rút.
Về tiêm chủng, trong ngày 7/10 có gần một triệu rưỡi liều vaccine được tiêm. Tổng số liều đã triển khai trên cả nước là hơn 50,5 triệu, trong đó tiêm 1 mũi là hơn gần 37 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 13,6 triệu liều. Bộ Y tế cho biết vaccine sẽ về nhiều trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu tiêm ít nhất 70% dân số trưởng thành vào đầu năm 2022.
Trong bối cảnh mới, Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19. Theo đó, địa phương thích ứng an toàn dịch bệnh khi đáp ứng 3 tiêu chí: Ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine Covid-19; tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm; các tỉnh, thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.
Dự thảo cũng phân loại 4 cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng. Chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh dựa trên một số tiêu chí như: Số ca nhiễm mỗi tuần trên 100.000 dân; tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi) được tiêm vaccine.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết trong cuộc họp hôm 28/9, điểm quan trọng nhất của dự thảo hướng dẫn là "chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng" so với mục tiêu không có ca nhiễm tại cộng đồng (zero Covid-19) như giai đoạn trước. Các biện pháp phòng chống dịch sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo từng cấp độ và theo nhóm dân số đã tiêm vaccine (hoặc mắc và khỏi bệnh), người có xét nghiệm âm tính.
Các ca nhiễm cộng đồng mới vẫn cần được phát hiện sớm, khoanh vùng hẹp nhất có thể, cách ly, theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời. F1 vẫn cần có biện pháp cách ly phù hợp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Người dân tuân thủ nguyên tắc 5K.
"Nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp này sẽ dẫn đến việc mở cửa không kiểm soát, gây ra hệ lụy rất lớn tới sức khỏe và tính mạng người dân, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong. Mở cửa không kiểm soát còn dẫn đến kịch bản xấu như một số nước là mở ra rồi phải đóng lại ngay mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao", bà Hương phân tích.
Theo tiến sĩ Park, việc lập kế hoạch cho phép Việt Nam chuẩn bị tốt hơn ở những đợt bùng phát trong tương lai, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Thông qua các chiến lược và hướng dẫn tạm thời, WHO đưa ra một số tiêu chí dịch tễ học, ICU (hồi sức tích cực) và tiêu chí tiêm chủng mà chính phủ có thể tham khảo và điều chỉnh tùy thuộc vào bối cảnh của quốc gia.
Người đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, đại dịch vẫn chưa kết thúc, còn quá sớm để đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi "bài học nào được rút ra từ các quốc gia chung sống thành công với Covid-19".
"Song kinh nghiệm từ các tình huống y tế khẩn cấp trước đây và đại dịch hiện tại cho thấy: Chúng ta cần phá vỡ chu kỳ 'hoảng sợ và bỏ bê', phải luôn nâng cao cảnh giác", ông Park nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận