WHO cập nhật tin mới về biến thể siêu đột biến Omicron
Bằng chứng sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể tăng nguy cơ tái nhiễm, tức là những người đã từng bị COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại (VOC) và đặt tên cho biến thể này là Omicron.
Đến thời điểm hiện tại, biến thể Omicron đã xuất hiện ở Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Úc, Đức, Anh, Ý, Bỉ, Israel, Botswana, Nam Phi, Hồng Kông (Trung Quốc).
Những gì đã biết và chưa biết về Omicron
Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi và nhiều nơi trên thế giới đang khẩn trương nghiên cứu để hiểu rõ hơn về các đặc tính của Omicron.
Hiện tại, chưa có thông tin xác thực nào cho thấy các triệu chứng gây ra bởi Omicron khác với triệu chứng của người nhiễm các biến thể khác.
Những ca nhiễm Omicron đầu tiên là các sinh viên đại học - những người trẻ tuổi, vốn thường có biểu hiện nhẹ khi mắc COVID-19, nên sẽ phải mất thêm vài ngày đến vài tuần để các chuyên gia hiểu được mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra bởi biến thể Omicron.
Tất cả các biến thể, bao gồm cả biến thể Delta đang chiếm ưu thế trên toàn cầu, đều có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Do đó, việc tiêm phòng luôn quan trọng.
Vắc xin vẫn rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.
Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem biến thể này có bất kỳ tác động nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh hay không.
Đề xuất của WHO
Vì Omicron được xếp vào nhóm biến thể đáng quan ngại, nên WHO khuyến cáo các quốc gia tăng cường giám sát, giải trình tự gien các ca bệnh; chia sẻ trình tự bộ gien trên cơ sở dữ liệu có sẵn công khai, chẳng hạn như GISAID; báo cáo các ca bệnh hoặc ổ bệnh ban đầu cho WHO; thực hiện điều tra thực tế và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về Omicron.
Các quốc gia cần tiếp tục duy trì các biện pháp y tế cộng đồng để giảm lây lan COVID-19 nói chung, nên tăng cường năng lực y tế đề phòng số ca bệnh gia tăng.
Ngoài ra, điều quan trọng là sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin cần được giải quyết khẩn cấp để tất cả các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới được tiêm chủng một cách công bằng.
WHO khuyến cáo người dân nên giữ khoảng cách 1m với người khác; đeo khẩu trang; mở cửa sổ để thông gió, tránh không gian kém thông gió hoặc đông đúc; giữ tay sạch sẽ; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; tiêm phòng khi đến lượt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận