24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Xuân Hoài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

WB nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

WB nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

WB nâng dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2024 lên mức 2,6% từ mức dự kiến 2,4% đưa ra hồi đầu năm. Ảnh: Renova Invest

Báo cáo của WB, công bố hôm 11-6, dự báo tăng trưởng toàn cầu ổn định ở mức 2,6% trong năm nay, bằng mức của năm trước, trước khi nhích lên 2,7% trong hai năm tiếp theo. Dự báo này cao hơn con số tăng trưởng dự kiến 2,4% của toàn cầu cho năm 2024 mà WB đưa ra hồi tháng 1. Phần lớn mức cải thiện tăng trưởng là nhờ WB nâng triển vọng tăng trưởng của Mỹ lên 2,5% trong năm nay so với mức ước tính 1,6% hồi đầu năm.

Tuy nhiên, các dự báo tăng trưởng trên vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình 3,5% của toàn cầu vào thập niên trước Covid-19.

Các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng 4% trong giai đoạn 2024-2025, chậm lại một chút so với năm 2023. Tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập thấp dự kiến tăng tốc lên mức 5% trong năm 2024 từ 3,8% trong năm 2023. Đối với các nền kinh tế phát triển, WB dự báo mức tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 1,5% trong năm 2024, trước khi tăng lên 1,7% trong năm 2025.

Riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại về mức 4,8% trong năm nay và tiếp tục suy yếu về mức 4,2% trong năm 2025 rồi 4,1% trong năm 2026. Điều này chủ yếu do tăng trưởng của Trung Quốc trì trệ.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% trong năm 2024, trước khi tăng tốc lên 6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026.

“Sau 4 năm biến động, do đại dịch Covid-19, xung đột, lạm phát và thắt chặt tiền tệ gây ra, có vẻ như tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ổn định dù vẫn thấp hơn so với trước năm 2020”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng kiêm Phó chủ tịch cấp cao của WB nói.

Nhưng ông lưu ý, triển vọng của các nền kinh tế nghèo nhất thế giới ngày càng đáng lo ngại hơn. Họ đang đối mặt với mức độ trả nợ cao, làm hạn chế tiềm năng thương mại cũng như các thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển cần phải tìm cách khuyến khích đầu tư tư nhân, giảm nợ công, cải thiện giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng cơ bản. Những nước nghèo nhất trong số đó, đặc biệt là 75 quốc gia đủ điều kiện nhận vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế, một thành viên của WB, sẽ không thể làm được điều này nếu không có sự hỗ trợ quốc tế.

WB nâng cao dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

Theo WB, lạm phát toàn cầu dự kiến ​​ giảm xuống mức 3,5% vào năm 2024 và 2,9% vào năm 2025, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với dự kiến ​​vào 6 tháng trước. Do đó, nhiều ngân hàng trung ương có thể vẫn thận trọng trong việc giảm lãi suất chính sách. WB nhận định lãi suất toàn cầu có thể sẽ vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn của những thập niên gần đây, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025-2026, gần gấp đôi mức trung bình của giai đoạn 2000-2019.

Ayhan Kose, phó kinh tế trưởng của WB nói: “Dù giá thực phẩm và năng lượng trên toàn thế giới đã dịu lại, nhưng lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao và có thể tiếp tục như vậy. Điều đó có thể khiến các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển lớn trì hoãn giảm lãi suất”.

Ông cho rằng, một môi trường lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ khiến các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn và tốc độ tăng trưởng sẽ yếu hơn nhiều ở các nền kinh tế đang phát triển.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của WB cũng dành ra hai chương phân tích các chủ đề quan trọng.

Chương phân tích đầu tiên phác thảo cách thức đầu tư công để thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Báo cáo chỉ ra, tăng trưởng đầu tư công ở các nền kinh tế đang phát triển đã giảm một nửa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, xuống mức trung bình hàng năm là 5% trong thập niên qua.

Tuy nhiên WB lưu ý, đầu tư công có thể là một đòn bẩy chính sách mạnh mẽ. WB cho rằng, đối với các nền kinh tế đang phát triển có không gian tài chính dồi dào và các biện pháp chi tiêu công hiệu quả, việc tăng quy mô đầu tư công lên 1% GDP có thể giúp tăng mức sản lượng kinh tế lên tới 1,6% trong trung hạn.

Chương phân tích thứ hai tìm hiểu lý do vì sao các nước nhỏ, có dân số khoảng 1,5 triệu người trở xuống, phải đối mặt khó khăn tài chính kéo dài. Theo WB, 2/3 trong số 35 nền kinh tế đang phát triển là các nước nhỏ có nguy cơ cao hoặc đã lâm vào căng thẳng nợ nần. WB kêu gọi các nước nhỏ cải cách toàn diện để giải quyết những thách thức tài chính bằng cách cải thiện doanh thu thuế và tăng hiệu quả chi tiêu công, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng. WB cũng cho rằng, các chính sách toàn cầu có mục tiêu và phối hợp cũng có thể giúp đưa các nước này bước vào con đường tài chính bền vững hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả