24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Tiến Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

WB: Kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam

Việt Nam đang gặp phải những thách thức ngắn hạn

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các cấp có thẩm quyền cần xử lý những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội, đồng thời khẳng định kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Ngày 24/8, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 8/2021 với tựa đề “Việt Nam Số hóa - Con đường đến tương lai”

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, những thách thức ngắn hạn mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải đó là khó khăn trong việc đẩy lùi đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay và khởi động lại nền kinh tế, trong khi mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam là trở thành nước có thu nhập cao thông qua chuyển đổi kỹ thuật số trong nền kinh tế.

Về lâu dài, số hóa nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu vì Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để chuyển đổi nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và đưa Việt Nam thành quốc gia có thu nhập cao. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam cung cấp dịch vụ qua mạng. Chính phủ cũng đã tăng cường số hóa quy trình thủ tục và cơ sở dữ liệu công.

WB: Kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam
Nguồn: WB.

Kinh tế tăng trưởng vững chắc nhưng khủng khoảng COVID-19 vẫn còn

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả bên trong và bên ngoài, bao gồm dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong nước và đã lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch ở mức khoảng 8%, nhờ mở rộng sản xuất chế biến, chế tạo. Một phần nào đó, tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi kết quả tốt từ khu vực nông nghiệp nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt. Ngược lại, khu vực dịch vụ vẫn chưa quay lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, một phần do khu vực này nhạy cảm với các biện pháp hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Từ góc độ chi tiêu, tăng trưởng đạt được nhờ vào tiêu dùng tư nhân và một phần nào đó vào đầu tư tư nhân, trong khi đó Chính phủ trở lại với chính sách tài khóa thắt chặt hơn, và nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu, khiến cho cán cân thương mại chuyển sang thâm hụt.

WB: Kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam
Nguồn: WB năm 2021.

Theo đánh giá của WB, mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch tháng 4/2021 trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp. Nền kinh tế dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng trong tháng 8 do các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng, với các tỉnh phía nam, TP. Hồ Chí Minh và sau đó là Hà Nội phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt từ cuối tháng 7 để dập dịch.

Đại dịch cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống hàng ngày của người lao động, doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, những tác động này không dễ đo lường vì chúng thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào quy mô của đại dịch và mức độ nghiêm ngặt của các hạn chế đi lại. Mặc dù vậy, thông điệp chung là nhiều cá nhân đã và đang phải gánh chịu khó khăn kinh tế ngày càng lớn do tình hình kinh tế trong nước đang có chiều hướng xấu đi trong vài tháng qua. Tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đã trở nên rõ nét hơn, thậm chí trước đợt dịch COVID-19 bùng phát tháng 4. Trong tháng 3/2021, 30% các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với tháng 3/2020, giảm từ tỷ lệ khoảng 50% hồi tháng 1/2021.

Thận trọng với rủi ro nợ xấu gia tăng

Báo cáo của WB đánh giá, trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021, và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Đây là dự báo tích cực, nhưng vẫn thấp hơn 2,0 điểm phần trăm so với dự báo trong kỳ Báo cáo Điểm lại tháng 12/2020, do tác động tiêu cực liên quan đến đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây và còn phụ thuộc vào một số rủi ro tiêu cực.

Tuy nhiên, dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vắc-xin ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới. Nếu những rủi ro đó trở thành hiện thực, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 4,8%. Thời gian để quay lại xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch và thực hiện củng cố tài khóa trong trung hạn cũng sẽ kéo dài hơn so với dự kiến.

Theo WB, mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực nhưng các cấp có thẩm quyền cần xử lý những hệ quả xã hội của đại dịch. Tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động và các hộ gia đình đã trở nên trầm trọng hơn sau đợt bùng phát dịch tháng 2 và tháng 4. Đại dịch không chỉ làm giảm thu nhập của người lao động mà còn tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn do có tác động khác nhau đến các nhóm thu nhập, ngành nghề, giới và địa bàn khác nhau. “Các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng cường các chương trình đảm bảo xã hội, về phạm vi bao phủ, đối tượng mục tiêu và mức hỗ trợ, nhằm đảm bảo những nạn nhân hiện tại và tương lai của cú sốc kinh tế và dịch bệnh nhận được hỗ trợ đầy đủ”, báo cáo đề xuất.

WB: Kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam
Nợ xấu (NPL) theo báo cáo của các tổ chức tín dụng và tỷ lệ an toàn vốn bình quân (CAR), %. Nguồn: WB.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của WB cũng lưu ý Việt Nam cần cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng. Theo WB, mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính. Cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ cần thận trọng với rủi ro nợ xấu đang gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng có mức vốn hóa chưa đảm bảo trước đại dịch. “Đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu, và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II”, báo cáo khuyến nghị.

Ngoài ra, cần cảnh giác với rủi ro tài khóa bởi theo WB, mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công trên GDP rơi vào khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020, nhưng kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại nổ ra trong những tháng tiếp theo. Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này, trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. “Tại thời điểm này, rủi ro tài khóa có vẻ vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn cần tiếp tục được theo dõi sát sao, đặc biệt là vì rủi ro này liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng”, báo cáo nhận định.

Kinh tế số: Con đường dẫn đến tương lai

Khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng COVID-19, chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có vị thế về công nghệ số. Việt Nam đã tham gia “cuộc đua khi coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Theo WB, Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc số của thế giới. Dù là một trong những quốc gia được kết nối tốt nhất trên thế giới, đã có sự hiện diện của một số tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn đang đi sau ở một số khía cạnh - kỹ năng, tài chính, môi trường pháp lý thuận lợi, bao gồm tiếp cận và an ninh dữ liệu - gây cản trở việc tận dụng tối đa lợi ích từ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng.

WB: Kinh tế số là tương lai của nền kinh tế Việt Nam
Thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh hơn so với các nước khác trên thế giới. Nguồn: WB.

Báo cáo WB chỉ rõ, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Việt Nam cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân, và an ninh mạng. “Nếu chúng ta tin vào sức mạnh dự báo của thị trường tài chính, thì công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam”, WB đánh giá.

Tuy nhiên WB cho rằng, nếu những thách thức trên không được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam khẩn trương xử lý thì sẽ dẫn đến rủi ro là lợi ích từ áp dụng công nghệ số sẽ không lớn như kỳ vọng và trên hết, sẽ được phân bố không công bằng, có thể dẫn đến những căng thẳng về kinh tế, xã hội và chính trị.

Báo cáo này khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng lộ trình gồm 3 hành động chính, đó là nâng cao kỹ năng số; Bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh. Bởi theo WB, lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số và phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng. WB đánh giá tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp và số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau phổ thông phù hợp chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Nhiều doanh nghiệp cho biết việc tìm kiếm và giữ chân các chuyên viên phân tích dữ liệu, lập trình viên và chuyên viên mô hình hóa giỏi ngày càng khó. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự bất định về yêu cầu của việc làm trong tương lai, sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân có thể giúp xác định và dự báo những kỹ năng nào sẽ có nhu cầu cao nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả