24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

WB: ‘Đầu tư công là đầu kéo vực dậy tăng trưởng Việt Nam 2023’

Ngân hàng thế giới (WB) vừa đưa ra dự báo đầu tư công sẽ là "đầu kéo" vực dậy tăng trưởng Việt Nam. Trong bối cảnh tăng trưởng còn nhiều thách thức, chuyên gia WB dự báo năm 2023, GDP Việt Nam có thể đạt mức tăng 6,3%, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội đưa ra là 6,5%.

GDP sẽ tăng 6,3%

Tại lễ công bố báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2023, các chuyên gia chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức do những diễn biến của kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm và nhu cầu giảm, lạm phát tăng cao, các điều kiện tài chính và tiền tệ bị thắt chặt cũng như mức độ phức tạp về địa chính trị gia tăng.

“Đây tiếp tục là rủi ro với hoạt động kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2023, cũng như đối với Việt Nam, với tư cách là một nền kinh tế có độ mở cao”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định.

Đặc biệt, theo bà Carolyn Turk, chỉ vài ngày trước, chúng ta đã thấy việc đóng cửa Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa Kỳ, tác động của sự kiện này sẽ tiếp tục trong những ngày và tuần tới, có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường tiền tệ và tài chính toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo WB, tài khoản vãng lai của Việt Nam ghi nhận thâm hụt ở mức 4,9 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022 theo đó, với mong muốn giảm áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ứng phó bằng cách kết hợp giữa can thiệp tỷ giá, giảm giá một phần đồng nội tệ và thắt chặt tiền tệ.

Liên quan đến khu vực tài chính, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, cho rằng, khu vực này đã chịu áp lực gia tăng trong năm 2022. Chủ trương mở rộng chính sách tài khóa theo dự kiến ban đầu bị ảnh hưởng do những thách thức phát sinh trong quá trình thực hiện ngân sách. “Triển vọng trong ngắn hạn vẫn thuận lợi nhưng Việt Nam đối mặt với rủi ro”, bà Dorsati Madani nhận định.

Cụ thể, bà Dorsati Madani cho rằng, do những khó khăn trong nước và bên ngoài, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2023. Mặc dù du lịch tiếp tục phục hồi nhưng tăng trưởng khu vực dịch vụ sẽ chậm lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp hậu Covid-19 yếu dần. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do lạm phát có thể tăng cao hơn trong năm 2023 (bình quân 4,5%), khiến cho sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn. Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân.

Theo WB, rủi ro đối với triển vọng trên nhìn chung là khá cân bằng. Trên phương diện tiêu cực, tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro, có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu. Lạm phát kéo dài tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro có thể dẫn đến điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn nữa, ảnh hưởng đến khu vực tài chính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, rủi ro và căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn. Nhìn vào trong nước, giá tăng liên tục có thể khiến cho kỳ vọng lạm phát được nâng lên, truyền tải sang áp lực đến mức lương danh nghĩa và chi phí sản xuất theo hướng gây mất ổn định và ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước.

“Trên phương diện tích cực, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, Hoa Kỳ hay EU và nhu cầu toàn cầu tăng cao hơn mức dự kiến sẽ có thể giúp đẩy mạnh xuất khẩu, và theo đó GDP của nền kinh tế có thể vượt mức dự báo cơ sở”, báo cáo của WB nhận định.

Để giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả”.

4 kiến nghị giúp Việt Nam phát huy tiềm năng

Đáng chú ý, báo cáo của WB đã đưa ra 4 kiến nghị có thể giúp Việt Nam phát huy được tiềm năng, đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Cụ thể, để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững.

Theo WB, điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp. Bên cạnh đó, xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý. Cùng với đó, tập trung vào những dịch vụ có khả năng thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực khác, cụ thể là các lĩnh vực chế tạo chế biến.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả