Warren Buffett chú ý vào điều gì khi tuyển dụng nhân sự?
Warren Buffett, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (CEO) của Berkshire Hathaway, đã thu hút sự quan tâm của mọi người trong hàng thập kỷ bằng sự thông thái không chỉ trong khía cạnh đầu tư và làm giàu.
Để vận hành một doanh nghiệp tốt, hoặc để có một cuộc sống tốt đẹp, Warren Buffett tâp trung vào một số quyết định quan trọng có thể dẫn tới sự thành bại của doanh nghiệp và của cuộc sống chúng ta.
Chẳng hạn, hãy bàn về những quyết định liên quan tới việc bạn sẽ thuê ai để giúp công ty phát triển. Vị tỷ phú 92 tuổi từng đưa ra một lời khuyên quý giá khi kể về cách tuyển dụng của ông: “Chúng tôi tìm kiếm những người thông minh, năng nổ, và đặc biệt là phải có đạo đức. Nếu họ không có được yếu tố sau cùng, hai yếu tố đầu tiên sẽ hại bạn, bởi vì nếu một người nào đó mà không có đạo đức thì bạn chỉ nên mong muốn họ làm biếng và khờ khạo”.
Cái giá của việc không có đạo đức
Đạo đức là giá trị cá nhân, thường hay bị bỏ qua lúc phỏng vấn thay vì nên được khai thác sâu, có thể khiến bạn hao tiền tốn của về sau, đặc biệt là đối với những cá nhân nắm giữ những vị trí trọng yếu trong một công ty. Không ai muốn thuê một nhân viên lười biếng và khờ khạo cả, nhưng theo quan điểm của ông Buffett, đó cũng chính là người mà bạn thuê được khi tuyển dụng phải một người thông minh, năng nổ nhưng lại thiếu đạo đức.
Tại những thời khắc cần đưa ra quyết định khó khăn, đôi khi những hành động nhỏ nhất lại có thể hủy hoại danh tiếng và kéo theo một loạt thảm họa nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Ở cấp độ hệ thống, quy mô hơn, thiếu đạo đức có thể khai tử một doanh nghiệp, như chúng ta đã từng chứng kiến sự sụp đổ của những công ty như Enron và Worldcom.
Đưa đạo đức trở thành một phẩm chất cần có ở người lãnh đạo sẽ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Có câu nói nổi tiếng: “Người hành sự có đạo đức luôn làm những việc đúng đắn, thậm chí ngay cả khi không có ai nhìn thấy và đặc biệt là những khi không dễ đưa ra lựa chọn”.
Warren Buffett biết được mọi người, đặc biệt là người quản lý, sẽ có lúc đối diện với những tình huống đòi hỏi giữ vững đạo đức, chống lại sự thúc giục muốn thao túng số liệu, giấu lỗ, đi đường tắt, hoặc lợi dụng nhân viên hay khách hàng.
Đạo đức khởi phát từ cấp lãnh đạo
Các nhà lãnh đạo cấp cao chính là những “bộ điều chỉnh” đạo đức trong công ty. Thông qua hành động và lời nói, nhà lãnh đạo tạo ra môi trường cho mọi người hoạt động. Rob Chestnut, tác giả của quyển Intentional Integrity: How Smart Companies Can Lead an Ethical Revolution, đã có 4 năm giữ chức Giám đốc tuân thủ đạo đức và trưởng cố vấn pháp chế của Airbnb. Ông chia sẻ rằng, theo số liệu, các tổ chức vận hành theo đạo đức luôn vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh. Chestnut đơn giản chỉ ra rằng khách hàng ưa chuộng những công ty đồng điệu với họ về mặt giá trị.
Không có gì ngạc nhiên, khi được hỏi làm thế nào để các nhà lãnh đạo thể hiện đạo đức khi cắt giảm nhân sự, Chestnut nói rằng lãnh đạo phải là người đầu tiên hi sinh chịu bị trừ lương. Ngoài ra, họ nên là tấm gương khiêm tốn, tinh thần phục vụ và yêu thương khi giúp đỡ các nhân viên trước đây chuyển tiếp.
Về khía cạnh đạo đức, nhà lãnh đạo còn có thể làm gì để bảo vệ doanh nghiệp và mọi người trong tổ chức? Hãy bắt đầu với tính minh bạch và trung thực với những hạn chế của công ty.
Chestnut nói rằng chúng ta cần trao đổi cởi mở về những chủ đề tế nhị, để làm rõ các kỳ vọng, loại bỏ sự mơ hồ.
“Nếu như một doanh nghiệp phạm sai lầm, bạn không thể che đậy, phớt lờ hay xem như không có gì xảy ra. Bạn cần có khả năng tự nhìn nhận bạn đã phạm sai và trao đổi công khai về việc đó. Một khi làm được như vậy là bạn có thể vạch ra một con đường mới giúp đưa mọi thứ về quỹ đạo, nhưng cần được thực hiện một cách rõ ràng. Bạn không thể chỉ đột ngột thay đổi hành vi của mình rồi hy vọng mọi người nhận thấy; bạn thực sự cần phải đối thoại với mọi người”, Chestnut chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận