menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Cường

Vượt trội về lợi thế, Trung Quốc muốn thoát khỏi "chiếc áo" thị trường mới nổi

Dù 'thiếu lợi thế' ở các chỉ số toàn cầu nhưng Trung Quốc đang 'thừa lợi thế' khi xét đến các chỉ số của một thị trường mới nổi.

Năm Tân Mão 2011 là một năm dấu mốc của Trung Quốc khi quốc gia này chính thức vượt qua Nhật Bản để giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Liệu thời gian tới Trung Quốc có thể bước ra khỏi tốp các thị trường mới nổi để một lần nữa vươn lên vị thế của một thị trường phát triển đáng mơ ước?

Niềm tin này càng được củng cố khi Bắc Kinh quyết định chấm dứt các biện pháp phong tỏa để phòng dịch Covid-19, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo đà cho tăng trưởng toàn cầu.

Sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thập kỷ

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos vào tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhận định: “Thực tế chỉ ra rằng việc Trung Quốc mở cửa với thế giới là một điều bắt buộc. Chúng ta cần mở rộng hơn và làm cho hệ thống hoạt động tốt hơn”.

Đồng tình với nhận định này, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, cũng cho rằng “điều này là cực kỳ quan trọng”, vì việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế thành công “rất có thể là yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023”.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn được dự đoán sẽ duy trì mạnh hơn đáng kể so với các nước phát triển. Những lo ngại về rủi ro pháp lý, nguyên nhân góp phần khiến tâm lý thị trường suy thoái nghiêm trọng từ cuối năm 2020, phần lớn đã giảm bớt.

Mục tiêu của các quy định phù hợp với “sự thịnh vượng chung” đã trở nên tập trung hơn: quản lý rủi ro tốt hơn ở các công ty dịch vụ tài chính, bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ hơn, tránh các công ty độc quyền công nghệ lớn, cải thiện điều kiện của người lao động và đặc biệt là chống biến đổi khí hậu.

Theo đuổi mục tiêu thịnh vượng chung, Trung Quốc luôn mở rộng cánh cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục kiên định với nền kinh tế thị trường. Điều này sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc.

Vậy giai đoạn tiếp theo sẽ là gì? Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo sức mua tương đương và lớn thứ hai về tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDP).

Quốc gia Đông Bắc Á này cũng sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn nhất trong thập kỷ này, mặc dù về cơ bản quy mô tăng trưởng dân số đã không còn, trọng tâm đang dần chuyển hướng sang tăng trưởng chất lượng cao và bền vững thông qua đổi mới công nghệ và gia tăng năng suất.

Những nỗ lực này cần phải được tiếp tục để Trung Quốc có thể cải thiện GDP bình quân đầu người, vốn đang ở mức khoảng 12.000 USD/năm, thấp hơn nhiều so với các nước khác trên toàn cầu. Ngoài ra, các hạn chế về khả năng chuyển đổi tài khoản vốn - quyền của người cư trú và người không cư trú được tự do giao dịch tiền tệ và tài sản theo ý muốn - vẫn còn khá phổ biến.

Thị trường mới nổi - "chiếc áo quá hẹp" với Trung Quốc

Dù “thiếu lợi thế” ở các chỉ số toàn cầu nhưng Trung Quốc đang “thừa lợi thế” khi xét đến các chỉ số của một thị trường mới nổi.

Hiện nước này đang chiếm khoảng 10% vốn hóa thị trường vốn cổ phần toàn cầu nhưng lại chiếm chưa đến 4% trong Chỉ số toàn cầu của MSCI và Chỉ số toàn cầu FTSE. Ngược lại, Bắc Kinh lại sở hữu lợi thế áp đảo khi xét đến các tiêu chuẩn của một thị trường mới nổi. Vào cuối tháng 1/2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chiếm 33,49% trong Chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI.

Các thị trường mới nổi thuộc nhóm các nền kinh tế không đồng nhất, tuy vậy đều có chung các đặc điểm kinh tế vĩ mô quan trọng. Nền kinh tế của các quốc gia này thường chưa đạt đến quy mô của các quốc gia phát triển, thu nhập bình quân đầu người cũng thấp hơn nhiều. Thị trường tài chính có xu hướng vốn hóa thấp hơn với tính thanh khoản kém hơn.

Các nền kinh tế mới nổi thường bị chi phối đáng kể bởi chu kỳ kinh tế toàn cầu, ngay cả những giai đoạn kinh tế có thặng dư thương mại với bên ngoài, khi giá trị xuất khẩu vượt quá giá trị nhập khẩu. Vì vậy, các thị trường mới nổi có xu hướng được hưởng lợi khi tăng trưởng toàn cầu tăng lên và đồng USD yếu đi, nhưng lại bị ảnh hưởng khi điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một ngoại lệ. Quy mô thị trường của Trung Quốc rất lớn và đặc thù, chính sách tiền tệ cũng có xu hướng ngược chu kỳ, chính sách của các nền kinh tế lớn khác. Chỉ riêng những yếu tố này đã làm cho tài sản của Trung Quốc trở thành một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư quan trọng.

Hầu hết các thị trường mới nổi đều là các nền kinh tế nhỏ, mở, chịu ảnh hưởng nhiều từ chu kỳ kinh tế toàn cầu và chính sách tiền tệ của Mỹ. Trong khi đó, ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá hoạt động của các thị trường mới nổi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại