menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Anh Vũ

Vượt qua vòng xoáy khủng hoảng

Dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, vì vậy, làm thế nào để chúng ta vượt qua được khủng hoảng của thế giới là b

Nhiều thách thức lớn

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội dự báo năm 2023, kinh tế thế giới phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy lạm phát và suy thoái. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra sẽ trầm trọng hơn vì nó sẽ chịu tác động, ảnh hưởng đồng thời của thảm họa chiến tranh và dịch bệnh. Trước đây, khủng hoảng kinh tế thế giới thường bắt đầu từ khủng hoảng tài chính ở một trung tâm sau đó lan ra thế giới và chuyển thành khủng hoảng kinh tế. Nhưng lần này, chính đứt gãy các chuỗi sản xuất dẫn đến khủng hoảng tài chính và diễn ra đồng loạt ở nhiều trung tâm lớn trên thế giới.

Việt Nam với độ mở của nền kinh tế lớn, đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng không hề nhẹ. Đầu tiên là sẽ tác động đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt liên quan đến lạm phát và tỷ giá. Khi các nước tăng lãi suất sẽ làm cho tỷ giá của VND tăng lên. Điều này ảnh hưởng ngay đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ hai là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, ảnh hưởng đến đầu ra của doanh nghiệp. Chính vì vậy, dự báo cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, nếu phấn đấu tốt Việt Nam sẽ giữ được quy mô tăng trưởng như năm 2022.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, nội tại kinh tế Việt Nam cũng có những thuận lợi có thể hóa giải những khó khăn này. Trước hết, nước ta có một nền kinh tế sản xuất, nếu có đầu ra thì tự nó sẽ được vận hành. Đây là thuận lợi hơn của kinh tế Việt Nam so với nhiều khu vực kinh tế dịch vụ khác.

Chúng ta đang có một thị trường nội địa với 100 triệu dân với sức tiêu thụ tốt. Vì vậy, lúc này chúng ta phải giữ cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất; cùng với đó là phải giữ vững được thị trường trong nước. Muốn vậy, bản thân doanh nghiệp phải có được sức khỏe tốt để tiếp tục đứng vững.

Sau 2 năm đại dịch, nợ của các doanh nghiệp đang là một thách thức rất lớn. Sang năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa, tiền tệ kết thúc, khi đó các doanh nghiệp vừa phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính hiện tại, vừa phải trả nợ dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong 2 năm qua...

Việt Nam cũng lại đang có một thế mạnh khác là chính sách tài khóa khá vững khi nợ công và bội chi những năm qua khá thấp, trong khi đó thu NSNN duy trì mức tăng trưởng khá cao. Như vậy, chúng ta vẫn còn dư địa để có thể nới rộng chính sách tài khóa hơn, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng thuế phí, có thể tiếp tục tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gỡ nút thắt nền kinh tế năm 2023

Dưới góc nhìn của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, “nút thắt” lớn nhất của nền kinh tế năm 2023 là khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các nguồn tài trợ vốn lại không nhiều. “Chẳng hạn như huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán thì đang rất khó khăn khi thị trường suy giảm. Thị trường trái phiếu thì năm 2022 có nhiều lùm xùm, làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư nên nguồn vốn huy động từ thị trường này cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, doanh nghiệp đang trông chờ rất nhiều vào nguồn vốn ngân hàng...”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, ông Cường cho rằng, về mặt tài khóa, chúng ta phải làm sao giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, có thể phải giãn, giảm, hoãn, miễn các khoản đóng góp cho doanh nghiệp để các nguồn lực của doanh nghiệp không bị phân tán mà tập trung vào sản xuất kinh doanh. Thứ hai, chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023 so với năm 2022. Trong bối cảnh giải ngân đầu tư công khó và khủng hoảng kinh tế thì đầu tư thường phải hướng vào khu vực sản xuất cuối cùng. Dành một phần đầu tư công để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành trụ cột cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển, công nghiệp thông tin phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia. Chúng ta không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ và để lại hậu quả là do không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và mãi mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

“Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển và đây chính là yếu tố để tăng cường thêm sức mạnh tiềm lực quốc phòng, tăng cường chủ quyền an ninh của biển đảo. Chúng ta cũng cần phải có hạ tầng công nghệ số cho riêng mình để kiểm soát, đảm bảo an toàn cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, nếu được đầu tư đặt hàng và bảo hộ của Chính phủ tôi tin rằng, đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho công tác quản trị công và giành lại thị phần dịch vụ thương mại điện tử đang nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài”, ông Cường nhấn mạnh.

Khủng hoảng kinh tế đặt ra khó khăn đối với những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất thiết bị, nhưng lại là cơ hội với các nhà đầu tư muốn thôn tính, tái cấu trúc lại các doanh nghiệp này. Các cường quốc kinh tế lớn trên thế giới đều phải dựa vào các trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh. “Giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời thêm các tập đoàn kinh tế mạnh, tạo thành trụ cột của nền kinh tế, chính là con đường thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường”, ông Cường cho hay.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục tiêu đầu tiên là phải kiểm soát được lạm phát và giữ ổn định tỷ giá. Nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận tăng hệ số lạm phát ở mức độ phù hợp tình hình thế giới. Nếu chúng ta không tăng hệ số lạm phát lên thì vô hình trung tự mình sẽ kìm hãm sự phát triển của các thị trường, kể cả các hoạt động về xuất khẩu, nhập khẩu.

Câu chuyện điều hành tỷ giá cũng như vậy, cũng phải điều chỉnh ở một mức độ phù hợp bởi nếu chúng ta điều chỉnh tỷ giá quá cao hoặc thả nổi sẽ làm cho đồng tiền của chúng ta mất giá, khi đó lại phải tập trung vào việc nâng dự trữ vàng và ngoại tệ thì đó là điều rất nguy hiểm, làm mất đi tiềm lực của đất nước. Nhưng nếu chúng ta lại cứ giữ cứng nhắc giá trị đồng tiền mà không có sự thay đổi thích ứng thì không đủ nguồn lực để phát triển.

“Tôi cho rằng ngành Ngân hàng phải rất linh hoạt trong điều hành chính sách tỷ giá và lãi suất cho phù hợp và cũng chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức chấp nhận được. Thông qua chúng ta sẽ tiếp tục huy động được các nguồn vốn nhàn rỗi để tăng thêm các nguồn vốn cho doanh nghiệp”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại