24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vượt khó, đẩy mạnh xuất khẩu

Việc Trung Quốc mở biên trở lại, đồng thời nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 là cơ hội rất lớn cho lưu thông hàng hóa.

Phá vỡ kỷ lục 670 tỉ USD được thiết lập vào năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 đã lần đầu tiên cán mốc 732 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu 371,5 tỉ USD, tăng 10,5%; nhập khẩu 360,5 tỉ USD, tăng 8,5% so với 2021. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 9 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Hướng đến mục tiêu lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2023, ngành công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2023 được xác định sẽ gặp nhiều thách thức bởi từ quý IV/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... lạm phát tăng cao đã giảm sức mua, đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, thương mại toàn cầu đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, lạm phát gia tăng. Do vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp (DN) cần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong năm 2023, để đạt được mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6%, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh việc hỗ trợ DN, đẩy mạnh thông tin về các FTA là công cụ dài hạn để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch lộ trình theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, tổ chức, DN. Ông Hải cũng cho rằng nỗ lực cải cách hành chính, giảm chi phí logistics để giúp DN giảm bớt khó khăn là yêu cầu quan trọng trong thời gian tới.

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỉ USD năm 2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết các DN đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng trong bối cảnh cầu sụt giảm, tận dụng lợi thế từ các FTA để đa dạng hóa thị trường và tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Theo ông Giang, thay vì sản xuất chuyên môn hóa như trước đây, các DN đã sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng. Để trợ lực cho DN, ông Vũ Đức Giang kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ về vốn, lãi suất và tiếp tục miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí cho DN. Với các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, chủ tịch VITAS cho rằng DN sẽ có thêm nguồn lực để duy trì lao động, sẵn sàng cho sự phục hồi của thị trường.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ DN để duy trì lực lượng lao động thông qua các hình thức đào tạo. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồn lực để DN chuyển đổi số bởi đây là giải pháp để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cho các DN.

Triển vọng Trung Quốc mở cửa

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo có nhiều thách thức, thông tin Trung Quốc mở biên trở lại, đồng thời nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19 sẽ là cơ hội rất lớn cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện để hàng nông sản, lương thực, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết tin vui là cuối năm 2022 có thêm yến sào và khoai lang Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. "Càng có thêm nhiều loại nông sản được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc thì DN Việt Nam càng có lợi thế lớn khi làm ăn với thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc lớn trong khi chúng ta có nhiều sản phẩm tương đồng, thời gian vận chuyển, giao nhận hàng ngắn... là những thuận lợi lớn cho xuất khẩu nông sản, thực phẩm tươi sống, chế biến và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc thời gian tới" - bà Chi nhận định.

Theo bà Chi, các DN xuất khẩu lương thực, thực phẩm có làm ăn với thị trường Trung Quốc luôn theo dõi sát diễn biến tình hình. Vừa rồi, Trung Quốc có những quy định mới về nhãn hàng, chất lượng, kỹ thuật hàng hóa..., các DN đang xoay xở đáp ứng những quy định này để có thể đưa hàng sang Trung Quốc ngay khi nước này chính thức mở cửa trở lại.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (chuyên về mật ong, các sản phẩm từ mật ong và nông sản), cho biết trước dịch COVID-19, Trung Quốc tiêu thụ nhiều nông sản thô Việt Nam nên khi họ đóng cửa thực hiện chính sách "zero COVID", rất nhiều DN Việt Nam bị ảnh hưởng, rơi vào khó khăn. Một số DN phải tăng cường thị trường nội địa, phát triển thị trường ngách nhưng vẫn không thể bù đắp tổn thất do gián đoạn làm ăn với thị trường Trung Quốc. "Khi hay tin Trung Quốc mở cửa trở lại, DN thở phào nhẹ nhõm và yên tâm lên kế hoạch phục hồi sản xuất. DN cũng đã tính đến việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất phục vụ thị trường gần 1,4 tỉ dân này. Tuy nhiên, DN còn đang chờ tín hiệu thị trường và đặt hàng từ phía Trung Quốc" - ông Xuân Vũ lạc quan.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit - một trong những DN làm ăn lâu năm với thị trường Trung Quốc, cho hay việc Trung Quốc mở lại hoạt động giao thương nội địa lẫn quốc tế là tin vui cuối năm với DN Việt Nam. "Về nguyên tắc, Trung Quốc bình thường hóa thị trường của họ chắc chắn là cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam vì chúng ta có quan hệ hai chiều với Trung Quốc rất mạnh. Thời gian qua, Trung Quốc áp dụng chính sách "zero COVID" dù không cản trở chính thức nhưng gián tiếp làm gián đoạn thương mại hai chiều, nhất là chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc" - ông Viên phân tích và kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng tốt trong quý I và chính thức bùng nổ từ quý II/2023.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP HCM) - chuyên xuất khẩu tôm hùm, tôm sú và cua sống, cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc mở cửa thị trường ngay trước Tết là tin vui rất lớn cho nông dân. "Ngay từ đầu năm 2023, DN đã đóng hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cho thấy thị trường đang hồi phục. Tôm hùm, tôm sú và cua sống đều là những mặt hàng có giá trị cao với thị trường chính là Trung Quốc, hàng đặt theo ngày, không dự trữ dài như hàng đông lạnh nên đơn hàng sẽ bám sát theo nhu cầu thị trường. Dự báo xuất khẩu tôm hùm, tôm sú, cua sống từ Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 1 sẽ tăng gấp 5-10 lần so với tháng 12-2022 bởi đây là thời gian cao điểm tiêu thụ cuối năm. Thị trường này mở cửa, người dân đi nhà hàng, siêu thị... trở lại thì sức mua sẽ tăng rất mạnh" - bà Anh Thư lạc quan.

Cũng theo bà Anh Thư, với mặt hàng tôm hùm, thời gian qua gặp khó khăn khi Trung Quốc thực hiện chính sách "zero COVID" nên giá mặt hàng này đang ở mức thấp. Hiện tại, giá sỉ mua tại bè nuôi tôm hùm bông cỡ 500 g đến 1 kg/con chỉ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh cỡ 200-600 g/con chỉ 600.000 - 700.000 đồng/kg, thấp hơn dịp Tết những năm trước dịch đến 300.000 - 500.000 đồng/kg. Sắp tới, Trung Quốc hút hàng, tình hình tiêu thụ hàng hóa cho nông dân sẽ khởi sắc hơn và dự báo giá sẽ tăng.

Còn ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết giá thanh long hiện đang ở mức cao nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng. "Thanh long ruột trắng loại 1 giá 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 giá 40.000 đồng/kg, là mức nông dân đang có lãi. Nông dân đang đẩy mạnh chong đèn trồng thanh long nghịch vụ. Chỉ cần thanh long được giá, nông dân sẽ tăng sản lượng trở lại" - ông Trịnh thông tin.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả