menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thu Trà

Vượt cơn “gió ngược” - Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoàn thành kế hoạch và báo lãi

15/19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Uỷ ban quản lý hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.

Mô hình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) sau 5 năm hoạt động đã phát huy hiệu quả, khẳng định việc thành lập cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Năm 2023, nền kinh tế thế giới đối mặt với cơn “gió ngược” khiến một số quốc gia rơi vào suy thoái kinh tế, lạm phát…Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam lại trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới khi “ngược gió” thành công bằng những quyết sách sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ. Đóng góp phần không nhỏ trong đó phải kể đến 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là những “cánh chim đầu đàn”, dẫn dắt, chi phối thị trường giúp sức phục hồi nền kinh tế.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi chia sẻ về vấn đề này.

Thưa ông, năm 2023 chứng kiến một thế giới đầy biến động và xáo trộn bởi chiến tranh, suy thoái kinh tế, chính sách tiền tệ thắt chặt, giá dầu “nhảy múa”, lạm phát tăng cao... Điều đó, tác động như thế nào tới hoạt động của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu?

Rõ ràng, năm 2023, tình hình thế giới bất ổn khó lường, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế, lạm phát cao; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine, gần đây xung đột tại Dải Gaza. Điều đó dẫn đến rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tại nhiều quốc gia tăng; đà suy giảm kinh tế từ những năm trước do đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế trong nước.

Nhận định những khó khăn đó, Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, xác định năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2023, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo, giao nhiệm vụ và đồng hành cùng các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội; tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Nhờ đó, các Tập đoàn, Tổng công ty đã hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2023, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu Công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1.135.743,61 tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

15/19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Uỷ ban quản lý hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.

Xin ông cho biết thêm về những hành động cụ thể của Uỷ ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong năm 2023?

Trong năm qua, Uỷ ban đã cùng các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nhiều nhiệm vụ trên các “mặt trận”, ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư phát triển: Một số dự án trọng điểm quốc gia về giao thông đã đóng góp không nhỏ trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế.

Cụ thể như: Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công 2 gói thầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4/2023); Khánh thành dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 02/12/2023).

Ngoài ra, một số dự án khác cũng được tháo gỡ vướng mắc như: Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành; Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn (đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10/2023), Đầu tư xây dựng các bến Container số 3 và số 4 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải phòng, Xây dựng mở rộng nhà ga quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Một số dự án trọng điểm lĩnh vực năng lượng như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (đi vào hoạt động tháng 4 năm 2023), đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1...

Về tháo gỡ khó khăn cho các các dự án, doanh nghiệp: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương (Ban Chỉ đạo), Ủy ban đã thực hiện đầy đủ và có kết quả các nhiệm vụ được giao.

Đã có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể, sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp.

Đối với 3 dự án, doanh nghiệp còn lại giao Ủy ban chỉ đạo việc xây dựng phương án xử lý, gồm Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco 2); Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (VTM); Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

Sau 5 năm đi vào hoạt động, việc tiếp tục thực hiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW, ngày 14/9/2017, của Bộ Chính trị về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” là hết sức cần thiết. Ông chia sẻ quan điểm về nhận định này?

Sau 5 năm thành lập và hoạt động, dưới sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc đã đem lại những kết quả khả quan.

Những kết quả nổi bật có thể tóm lược trong các nhóm vấn đề lớn: Ủy ban đã hoàn thành xử lý hầu hết công việc chuyển giao từ các bộ còn xử lý dở dang, phức tạp, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều thời kỳ.

Tiếp nhận vai trò Cơ quan Thường trực và Chủ tịch Ủy ban làm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Đến nay, công tác xử lý các tồn tại, yếu kém của nhiều dự án, doanh nghiệp đã có những tiến triển quan trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ủy ban đã tăng cường kiểm tra, giám sát về tài chính doanh nghiệp; đốc thúc doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư lớn, quan trọng; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Ủy ban làm đầu mối tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về đầu tư; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước; sắp xếp lại, xử lý đất đai; quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm để thúc đẩy tiến độ nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp; thực hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số...

Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của việc thành lập Ủy ban là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Nhà nước. Việc tiếp tục phát huy mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ như Thông báo số 40-TB/TW của Bộ Chính trị là hết sức cần thiết; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban để phù hợp hơn với mô hình, điều kiện thực tế hoạt động Ủy ban hiện nay và hệ thống thể chế, pháp luật có liên quan.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại