Vượt 2.000USD/oz, giá vàng sẽ lên tới đâu?
Dù giá vàng có khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn nữa, nhưng các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư cần cẩn trọng rủi ro khi mua vào ở thời điểm này.
Giá vàng quốc tế giao ngay đã tăng mạnh, vượt ngưỡng 2.000USD/oz lên tới mức 2.040USD/oz trong phiên giao dịch ngày hôm qua.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng đã tăng mạnh lên tới mức gần 59 triệu đồng/lượng. Giao dịch cũng trở lên sôi động hơn, nhưng chủ yếu là giao dịch bán. Bởi vì, các nhà đầu tư trong nước đã “chùn bước” mua vào khi giá vàng đã tăng quá nhanh, quá mạnh trong thời gian qua.
Sở dĩ giá vàng tiếp tục tăng mạnh do USD tiếp tục sụt giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác (USD index đã giảm xuống tới mức 92 điểm, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua) khi kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi tín hiệu kém tích cực, đặc biệt GDP quý 2 giảm tới 32,9%. Trong khi đó, việc FED liên tục bơm tiền vào thị trường thông qua chương trình nới lỏng định lượng, khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm mạnh (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện chỉ còn 0,525%; lợi nhuận trái phiếu kỳ hạn 30 năm chỉ còn 1,209%), góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Chủ tịch FED Powell cho biết sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức gần 0% và tiếp tục nới lỏng định lượng cho tới khi kinh tế Mỹ phục hồi trở lại, thị trường lao động khởi sắc và lạm phát đạt mức mục tiêu 2% (hiện lạm phát của Mỹ ở mức gần 1% do đại dịch làm giảm sức mua của người tiêu dùng). Điều này đồng nghĩa với việc tiền tiếp tục bơm mạnh ra để tăng thêm thanh khoản cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, và đương nhiên sẽ thổi bùng áp lực lạm phát trong dài hạn.
Nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Trung Quốc và Ấn Độ chiếm khoảng 60% tổng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, đã sụt giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ vàng ở Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm nay giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức hơn 165 tấn.
Ngân hàng ANZ dự báo nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức của Ấn Độ có thể giảm 40% trong năm nay xuống còn 414 tấn. Trong khi nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể chỉ đạt 500 tấn, so với mức 849 tấn năm 2019. Theo đó, thị trường vàng vật chất sẽ dư thừa nguồn cung khoảng gần 1.400 tấn trong năm 2020.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vàng, đặc biệt từ các quỹ ETF, lại có xu hướng tăng rất mạnh. Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF tính đến nay đạt khoảng 3.751 tấn. Riêng quỹ SPDR- quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới, đã mua tới hơn 75 tấn từ đầu tháng 7 đến nay. Điều này cho thấy các quỹ ETF là một trong những lực lượng lớn góp phần đẩy giá vàng tăng mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và chưa biết đến khi nào chấm dứt, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2021. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, thậm chí khiến kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, buộc các quốc gia tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế mới, đẩy áp lực lạm phát tăng cao, qua đó làm tăng vai trò trú ẩn của vàng.
Ngân hàng ANZ cũng nhận định giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong trung và dài hạn. Trong khoảng 6- 12 tháng tới, giá vàng quốc tế có thể lên tới 2.300USD/oz.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận