Vướng mắc việc cấp sổ hồng căn hộ chung cư - Bài 1: Người dân 'đỏ mắt' chờ đợi
TP Hồ Chí Minh hiện đang có hàng trăm ngàn người sinh sống ở các chung cư, trong đó nhiều chung cư dù đã đưa vào sử dụng khá lâu, nhưng các hộ dân vẫn chưa được chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Câu chuyện này tuy không mới vì đã kéo dài hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bài 1: Người dân 'đỏ mắt' chờ đợi
Sau niềm vui đã có chốn an cư, nhiều người dân sống tại nhiều chung cư ở TP Hồ Chí Minh lại phải mệt mỏi vì chờ đợi "đỏ mắt" vẫn không được cấp sổ hồng. Nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến cả chủ đầu tư lẫn các cơ quan quản lý.
Các căn hộ ở chung cư 4S ở thành phố Thủ Đức treo bảng yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng cho cư dân.
Gửi 600 lá đơn chỉ để yêu cầu cấp sổ hồng
Mới đây, hàng chục cư dân tại khu tái định cư Phú Mỹ (Quận 7) đã treo băng rôn với những dòng chữ "Yêu cầu chủ đầu tư Đức Khải trả sổ hồng cho cư dân, chủ đầu tư Đức Khải 10 năm chưa cấp sổ hồng cho cư dân, quyền lợi của 2.500 hộ dân bị chiếm đoạt 10 năm qua…".
Chị N.T.H, một cư dân ở khu tái định cư Phú Mỹ cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi mua căn hộ thuộc block A3 từ công ty Đức Khải với giá hơn 1,3 tỉ đồng từ tiền tích góp và chúng tôi đã trả đủ số tiền cần đóng theo quy định. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, gia đình tôi và hàng ngàn hộ dân khác vẫn chưa có sổ hồng. Cuộc sống chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều khi đi vay vốn, làm các thủ tục hành chính… Chúng tôi đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, gửi đơn kiện lên Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh… nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Tương tự, tại chung cư 4S Linh Đông (phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức), người dân cũng thường xuyên treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục cấp sổ hồng. Bà Trần Thị Thanh Loan, Trưởng ban quản trị chung cư này cho biết, nơi đây gồm cụm 4 chung cư được Sở Xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 8/2018. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến năm 2017, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho cư dân. Cách đây 2 - 3 năm, cư dân bức xúc đã treo băng rôn đòi sổ hồng và nhiều yêu cầu khác. Thậm chí có một hộ dân đã gửi hơn 600 lá đơn đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
TP Hồ Chí Minh còn 50.000 căn hộ ở các dự án đang bị "treo" sổ hồng.
Hiện TP Hồ Chí Minh đang có hàng ngàn hộ dân ở các chung cư cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi tiền đã thanh toán xong nhưng phải sống trong căn hộ chưa có "chủ quyền".
Chẳng hạn như tại dự án Him Lam Phú An (thành phố Thủ Đức, do Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư) có khoảng 1.029 căn hộ được bàn giao từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn đang “treo” sổ hồng. Nguyên nhân của việc "treo" sổ hồng là do việc định giá hơn 1.000 m2 đất của tầng hầm giữ ô tô chung cư chưa được thẩm định giá để chủ đầu tư nộp tiền.
Nhìn nhận về việc chậm cấp sổ hồng cho người dân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, có những dự án hơn 20 năm vẫn chưa được cấp sổ hồng vì vướng mắc nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra, vi phạm trong xây dựng... Vài năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng việc vẫn bế tắc khiến cho người dân rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi làm các thủ tục có liên quan đến sổ hồng.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ
Ông Nguyễn Văn Hiên, Trưởng ban quản trị khu dân cư Phú Mỹ cho biết, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời lý do về việc hàng ngàn hộ dân tại đây chưa được cấp sổ hồng. Theo đó, Công ty cổ phần Đức Khải chưa xóa đăng ký thế chấp tại ngân hàng và chưa cung cấp hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện việc cấp sổ hồng cho cư dân. Hiện nay, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần Đức Khải có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho các cư dân.
Trong văn bản ngày 22/3/2021 của Công ty Đức Khải gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, công ty đã nêu ra các khó khăn về chậm cấp sổ hồng cho người dân; trong đó, vướng mắc chính là việc giải chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai. Theo tìm hiểu, công ty này đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của các block nhà cho ngân hàng để vay hơn 4.000 tỉ đồng. Năm 2018, chủ đầu tư chỉ mới giải chấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của block A1 (dự án có 9 block).
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh còn khoảng 50.000 căn hộ bị "treo" sổ hồng. Sở đặt chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong năm 2022 là 23.000 căn nhà và đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2023 sẽ cấp 37.421 sổ hồng căn hộ cho người mua nhà tại các dự án.
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 10.454 căn nhà được cấp sổ hồng và 5.481 căn nhà đang chờ người mua nhà thực hiện nghĩa vụ tài chính (thông báo lệ phí trước bạ) tại Chi cục Thuế quận, huyện và thành phố Thủ Đức để được cấp sổ hồng theo quy định.
Hàng ngàn người dân tại chung cư Him Lam (phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức) đang chờ được cấp sổ hồng theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, có nhiều nguyên nhân khiến các cư dân chưa được cấp sổ hồng, đầu tiên là do trách nhiệm của chủ đầu tư là chưa nộp hồ sơ đầy đủ (trường hợp chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng thì sẽ bị xử phạt). Thứ hai là khi xây dựng chung cư thì xây không đúng giấy phép (có sáu dự án) nên phải xử lý sai phép. Ngoài ra, một số dự án có vấn đề thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng nhưng phải đảm bảo xây dựng xong thì giải chấp ở ngân hàng - rút giấy chứng nhận ra - nộp ở cơ quan nhà nước để thực hiện cấp sổ hồng cho cư dân. Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh còn 50 dự án chủ đầu tư đang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng. Cuối cùng là do liên quan đến trách nhiệm của nhà nước đang được giải quyết như việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung (có 43 dự án vướng mắc).
Để giải quyết tình trạng chậm cấp sổ hồng cho người dân, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, chính quyền TP Hồ Chí Minh luôn xác định việc cấp sổ hồng là giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân và chủ đầu tư dự án. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là tập trung giải quyết các vấn đề này. Cụ thể, Sở đã có văn bản đề nghị chi cục thuế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp xác định nghĩa vụ tài chính của người mua nhà. Sở cũng đã đề nghị các chủ đầu tư dự án và đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết vướng mắc trong việc này, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ… cho người dân.
Liên quan đến chế tài xử phạt với chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, mức phạt chủ đầu tư chậm làm thủ tục để cấp sổ hồng theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP cao nhất 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phạt này chưa đủ sức răn đe, vì vậy để có thể đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân, các cơ quan quản lý cần phải kèm thêm những chế tài khác mạnh mẽ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận