Vướng mắc trong đền bù GPMB là nguyên nhân chính khiến giải ngân vốn đầu tư công “lẹt đẹt“
Theo Bộ Tài chính, các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB vẫn chưa được giải quyết, và đây vẫn là nguyên nhân chính tác động tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2021.
Giải ngân vốn đầu tư công được xác định là phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021, tuy nhiên, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm nay vẫn còn thấp.
Cụ thể, theo báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước lũy kế 2 tháng và ước thực hiện 3 tháng năm 2021 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn đạt thấp. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3/2021 là hơn 60.749 tỷ đồng, đạt 11,95% kế hoạch (508.258,88 tỷ đồng) và đạt 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng), trong đó, vốn nước ngoài gần như chưa giải ngân (ước tỷ lệ giải ngân 3 tháng chỉ đạt 0,66%).
Một số bộ ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Thái Bình (43,24%), Bộ Công an (31,62%), Bắc Ninh (30,2%), Hưng Yên (28,67%), Thanh Hóa (27,79%), Hà Nam (27,63%).
Bên cạnh đó, vẫn có tới 31 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Lý giải về tình trạng này, Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung giải ngân vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 nên tỷ lệ giải ngân của năm 2021 còn thấp.
"Một số dự án lớn cũng đang phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục đầu tư và các chủ đầu tư đang triển khai các công việc như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công… nên cần nhiều thời gian để có khối lượng thanh toán", báo cáo nêu.
Một nguyên nhân được nhắc rất nhiều trong thời gian vừa qua đó là các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết, và đây vẫn là nguyên nhân tác động tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2021.
Cũng theo Bộ Tài chính, đối với dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án. "Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận", Bộ Tài chính cho hay.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2021 của các dự án, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát số vốn kế hoạch năm 2021 còn lại đến nay chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn các dự án ngay từ đầu năm.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án… và tổng hợp toàn bộ danh mục dự án và số vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021 gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận