Vùng kinh tế Bắc Trung bộ phải bám vào kinh tế biển
Ngày 18.10, diễn đàn "Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ" đã được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.
"Vẫn lúng túng chọn mô hình"
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù đã có một vài dự án về công nghiệp lớn như lọc dầu Nghi Sơn, song khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Cùng với đó, sự lúng túng với các mô hình kinh doanh mới là điểm nghẽn rất cần được tháo gỡ. “Chính phủ cần dẫn dắt, yểm trợ doanh nghiệp bằng cách định hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực, gọi các doanh nghiệp tư nhân đến để phát triển các trọng tâm này”, ông Lộc nói.
Bà Vũ Thị Hoàng Điệp, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), khẳng định về cơ bản khu vực này chưa đạt các mục tiêu. Nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, một số tỉnh chưa xác định được ngành kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh của địa phương. Theo bà Điệp, thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung và phát triển toàn vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp, quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.
Để phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ, bà Điệp chỉ ra 4 trụ cột chính là: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng. Phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn - thế mạnh của vùng Bắc Trung bộ, hình thành và phát triển các cụm du lịch. Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại Vũng Áng và các dịch vụ logistics và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản... Bà Điệp cũng đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá với vùng Bắc Trung bộ, trong đó cần cơ chế điều phối vùng theo hướng phải có thực quyền, hiệu lực và hiệu quả.
"Cần doanh nghiệp đầu tư nuôi biển"
Ông Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng nhấn mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông ven biển, phục vụ doanh nghiệp phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực bắc miền Trung. “Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3 - 5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư”, ông Dung nói.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương), vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và khu vực miền Trung đến năm 2025 tầm nhìn 2035 có thế mạnh nhất là công nghiệp chế biến thủy sản và không gian công nghiệp ven biển như Thanh Hóa với lọc hóa dầu; Nghệ An, Hà Tĩnh có cảng, cơ khí… và các địa phương nên tập trung thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thông tin hiện nay, sản lượng thủy sản vùng chỉ chiếm 1 - 3% tổng sản lượng thủy sản nuôi của cả nước. Tàu khai thác chủ yếu hoạt động gần bờ. Do đó, ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản là mục tiêu cần hướng tới. Ngoài ra, các địa phương phải có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác xa bờ, nuôi biển, chế biến thủy sản gắn với công nghiệp. "Phải có doanh nghiệp trong đầu tư nuôi biển", ông Luân nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận