Vừa lập kỷ lục, ‘hạt ngọc Việt’ lại nhận tin xấu, nguy cơ hụt thu 700 triệu USD
“Hạt ngọc Việt” xuất khẩu chính thức lập kỷ lục lịch sử khi vượt mốc 5 tỷ USD. Song, thế mạnh này của nước ta lại nhận tin xấu từ khách hàng lớn thứ 2 và có nguy cơ hụt thu gần 700 triệu USD năm tới.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11, nước ta đã xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, thu về 5,05 tỷ USD – mức cao kỷ lục lịch sử.
Giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng được ví như “hạt ngọc Việt” vẫn là Philippines và Indonesia, chiếm lần lượt 46% và 13,5% kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng qua.
Thế nhưng, mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Zulkifli Hasan - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Lương thực Indonesia - lại cho biết, quốc gia này có thể không nhập khẩu gạo vào năm 2025.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 5 tỷ USD. Ảnh: Tâm An
Đây được cho là tin xấu với gạo Việt Nam. Bởi, 2 năm trở lại đây, Indonesia chi lượng tiền khủng để mua gạo Việt và trở thành khách hàng lớn thứ 2, chỉ sau Philippines.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu gạo Việt sang thị trường Indonesia đạt gần 1,09 triệu tấn, thu về hơn 655 triệu USD. Điều này có nghĩa, nếu năm sau Indonesia ngừng nhập khẩu, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể hụt thu gần 700 triệu USD từ thị trường này.
Theo cơ quan thống kê của Indonesia, sản lượng gạo của nước này dự kiến sẽ giảm 2,43% trong năm nay, còn 30,34 triệu tấn. Nguyên nhân đến từ thời tiết khô hạn kéo dài vào năm 2023 khiến mùa vụ gieo trồng và thu hoạch bị chậm trễ.
Do đó, nhập khẩu gạo của Indonesia đã tăng vọt trong hai năm qua, đạt hơn 3 triệu tấn mỗi năm. Năm nay, quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu nhập khẩu tới 3,6 triệu tấn gạo.
Ông Zulkifli Hasan cho biết, năm sau nếu cần nhập khẩu thì có thể sẽ chỉ một lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung, một phần phân bổ nhập khẩu năm nay không thể giao được sẽ được chuyển sang năm sau.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng có kế hoạch mở rộng từ 750.000 đến 1 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2025 nhằm đạt mục tiêu tự chủ lương thực mà Tổng thống Prabowo Subianto đề ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận