Vụ Việt Á và Học viện Quân y: “Tột cùng” của sự dối trá
“Để đạt được tiến độ, nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân Y làm việc quên cả thời gian, có hôm quên ngủ, thành viên của nhóm rất thiện chiến, có chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài”…
Đó là những gì Thượng tá Hồ Anh Sơn - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y chia sẻ với báo chí về những gian nan trong quá trình nghiên cứu ra “siêu phẩm” kit test Việt Á trước khi bị bắt giam.
Thượng tá, PGS.TS Hồ Anh Sơn là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu 2 bộ kit test SARS-CoV-2 là realtime RT-PCR và RT-PCR. Thượng tá Sơn từng chia sẻ rất nhiều về đề tài nghiên cứu do mình phụ trách. Cụ thể, ông chia sẻ rằng, tháng 3/2020, thời điểm này dịch COVID-19 manh nha bùng phát tại một số địa phương của Việt Nam. Khi đó, Bộ Khoa học Công nghệ giao nhiệm vụ trong 1 tháng phải có sản phẩm kit test sử dụng và không có bất cứ sai sót nào.
Để đạt được tiến độ, nhóm nghiên cứu do ông phụ trách làm việc quên cả thời gian, có hôm quên ngủ. Nhóm nghiên cứu có 2 tiến sĩ, các thạc sĩ, nghiên cứu sinh, tổng cộng khoảng 10 người. Họ rất thiện chiến, có chuyên gia được đào tạo bài bản ở nước ngoài.
Ông nói: “Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ. Chúng tôi có những hộp cơm “huyền thoại” mang đi hàng ngày từ nhà hoặc đặt hàng từ bên ngoài. Có ngày, 20-21h chúng tôi “nhốt mình” trong viện và thường nói vui với nhau vì yêu cô Vy quá nên phải ăn ngủ cùng cô Vy".
Để có được kết quả nghiên cứu thành công kit test, ông Sơn cho biết, nhóm đã làm việc với tình trạng trên "nóng dưới rực lửa". Dù căng thẳng nhưng không có điều gì khác phải suy nghĩ ngoài việc làm ra sản phẩm tốt nhất. Tiếp đó, ông Sơn phát biểu với báo chí, thành công của việc nghiên cứu chế tạo kit là nhờ sự hợp tác nhiều năm với các đơn vị nghiên cứu ở nước ngoài, với Công ty Việt Á.
Đến tháng 12/2021, Bộ Công an phát hiện, bắt giữ nhiều lãnh đạo Công ty Việt Á nâng khống giá kit test, ông Hồ Anh Sơn khẳng định, sai phạm của công ty này không liên quan đến quy trình nghiên cứu kít.
Ông bày tỏ mong muốn: "Cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, đúng người, đúng việc, tránh để dư luận hiểu sai, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà khoa học". Và cũng đúng như mong muốn của Thượng tá Sơn, những “mắt xích” trong vụ án đã bị lộ diện, chỉ tiếc rằng một trong những “mắt xích” ấy chính là ông, người đã có những “từ ngữ” hay nhất, đẹp nhất khi chia sẻ về những gian nan, vất vả trong quá trình nghiên cứu khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Rồi đây, độ thật - giả của chất lượng bộ kit sẽ được sáng rõ. Nhóm những nhà khoa học này có thật sự khoa học hay không? số tiền gần 18 tỷ ấy có thực sự phục vụ cho nghiên cứu hay không và tại sao trong quyết định khởi tố có tội "tham ô tài sản” sẽ được phơi bày.
“Siêu phẩm” kit test, kết quả của nhóm nghiên cứu. Ảnh: TL
Học viện Quân y, một Trung tâm nghiên cứu khoa học về Y học của quân đội từ lâu đã là niềm tự hào không chỉ trong quân đội nói riêng mà là niềm tự hào của người dân cả nước nói chung. Nhiều công trình khoa học, nhiều nhà khoa học đã luôn đi tiên phong nhất là ghép thận, ghép gan, chữa bỏng... Tuy nhiên, việc sai phạm trong vụ Việt Á, nhất là trong bối cảnh chống dịch, ít nhiều đã để lại sự thất vọng cho nhiều người.
3 vị tướng, trong đó có 2 Trung tướng, 1 Thiếu tướng cùng hàng loạt lãnh đạo cấp tá của Học viện Quân y được Uỷ ban kiểm tra Trung ương nêu đích danh với những vi phạm được xác định là “gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội”.
Quyết định xem xét kỷ luật các lãnh đạo Học viện Quân y, thậm chí là quyết định bắt tạm giam 2 cán bộ của Học viện mới đây cũng không gây bất ngờ bởi đây là đơn vị tham gia từ đầu trong việc phối hợp với Công ty Việt Á để nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19.
Tuy nhiên trong vụ án này, còn nhiều hoài nghi mà dư luận mong muốn nhanh chóng có câu trả lời, đó là nếu như chỉ một mình Việt Á đứng tên thì bộ kit test COVID-19 liệu có được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt nhanh chóng và Bộ Y tế cấp phép thần tốc (chưa đầy 24 giờ sau đề nghị của Bộ Khoa học Công nghệ)?
Hồi tháng 1/2022, Uỷ ban dân nguyện của Quốc hội đã trình một báo cáo nêu kiến nghị của cử tri, nhân dân: "Mở rộng điều tra, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (trách nhiệm cụ thể của Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế), Học viện Quân y, Công ty Việt Á, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các địa phương có liên quan đến vụ án Công ty Việt Á đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức sai phạm, không bỏ lọt tội phạm".
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kì tổ chức, cá nhân nào.
Các tướng lĩnh trong quân đội và cái tên Học viện Quân y “dính” vào vụ Việt Á là một sự đau xót. Bởi Học viện là cái nôi nổi tiếng đào tạo bác sĩ giỏi, đóng góp rất nhiều công sức, vật lực và y, bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Nhưng ai sai phạm, người đó phải chịu trách nhiệm. Vụ Việt Á sẽ không dừng lại ở đây. Bởi xử lý vi phạm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng mới là thực hiện lời hứa với nhân dân, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận