Vụ việc Heineken yêu cầu đại lý không được bán bia Sabeco có dấu hiệu vi phạm về cạnh tranh?
Trong những ngày gần đây, hàng loạt đại lý đã lên tiếng "tố" Heineken Việt Nam về việc "o ép" đại lý không cho bán bia của hãng khác bằng việc cắt khoản hỗ trợ hàng tháng.
Liên quan đến vụ việc một số đại lý phân phối "tố" hãng bia Heineken Việt Nam không cho phép đại lý bán hàng của đối thủ, mới đây lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin và tổ chức buổi làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn quy trình, thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
Đồng thời, Cục cũng đã đề nghị các doanh nghiệp liên quan thu thập tài liệu, chứng cứ và cung cấp thông tin chính thức để có cơ sở xem xét theo đúng quy định.
Theo phản ánh của các đại lý, tình trạng yêu cầu đại lý chỉ được độc quyền phân phối mới diễn ra trong thời gian gần đây. Theo đó, các nhân viên bán hàng của Heineken có đưa ra yêu cầu các đại lý không được bán, trưng bày mô hình, sản phẩm của đối thủ là bia Sabeco.
Về phía Heineken Việt Nam, doanh nghiệp này cho biết, hiện đang xác minh để làm rõ thông tin và sẽ sớm đưa ra phản hồi.
"KHÔNG ĐƯỢC BÁN SẢN PHẨM
CẠNH TRANH TRỰC TIẾP"
Là một nhà phân phối bia, rượu, nước giải khát có kinh nghiệm nhiều năm, bà Hồng - đại diện nhà phân phối bia Kim Tân Hải có địa chỉ tại Quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ, khi các đại lý làm việc với hãng thông thường sẽ thoả thuận về chính sách chiết khấu, khoản tiền hỗ trợ và thưởng cuối năm.
"Nếu đạt chỉ tiêu thì được làm tiếp, không đạt chỉ tiêu thì bị cắt, nhưng hiện giờ chỉ được chọn một hãng Heineken hoặc Bia Sài Gòn (Sabeco) do hai bên cạnh tranh trực tiếp", bà Hồng nói.
Khoản hỗ trợ và thưởng cuối năm thường hãng nào cũng có, khoản này nhằm gia tăng doanh số, các hãng thường có chính sách ưu đãi cho đại lý thông qua chiết khấu, tặng sản phẩm hoặc hỗ trợ tiền mặt.
Khi doanh nghiệp đề ra chỉ tiêu và ngân sách cho hoạt động này, nhân viên bán hàng mỗi khu vực sẽ lên kế hoạch thực hiện và phân bổ ngân sách đến từng đại lý. Mức hỗ trợ tùy thuộc vào sản lượng của mỗi đại lý và thỏa thuận giữa đại lý với nhân viên bán hàng.
Tuy nhiên, những năm trước chúng tôi vẫn bán song song cả hai thương hiệu Heineken và Bia Sài Gòn Sabeco, còn năm nay Heineken yêu cầu chúng tôi chỉ được chọn bán một hãng, nếu không sẽ bị cắt tiền hỗ trợ, bà Hồng cho biết.
Nếu muốn bán kèm chỉ được bán thêm nước giải khát chứ không được bán cho thương hiệu đối thủ do đây là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, bà Hồng được nhân viên bán hàng của hãng lý giải.
Phản đối hành động ép đại lý phải chọn một hãng để độc quyền phân phối, bà Hồng và một số đại lý phân phối khác cho biết sẽ cân nhắc khoản hoa hồng, chính sách của hai hãng đưa ra, hãng nào chính sách tốt hơn thì bán.
Các nhân viên bán hàng của Heineken nói nếu tôi không trưng bày, không bán bia Saigon Chill (thương hiệu sản phẩm mới của Sabeco) thì sẽ được hỗ trợ tiền mặt. Cứ bên nào lợi hơn thì chúng tôi theo, hỗ trợ cao hơn thì tôi nhận, một đại lý bán lẻ bia chia sẻ.
CHƯA CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM LUẬT
Trao đổi với Nhịp sống Doanh nghiệp BizLIVE, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho biết, vụ việc này chưa đủ căn cứ để xác định các dấu hiệu vi phạm về luật pháp bởi đây chỉ là thoả thuận giao kết về mặt dân sự giữa hai bên.
Phải căn cứ trên hợp đồng giữa Heineken và đại lý để xác định họ có vi phạm không khi cắt khoản hỗ trợ đối với đại lý. Cụ thể, khoản hỗ trợ là gì, hỗ trợ bán hàng hay hỗ trợ trưng bày sản phẩm độc quyền, doanh số đạt bao nhiêu thì được khoản hỗ trợ đó,...Từ những căn cứ trên mới có thể xác định trách nhiệm của Heineken khi dừng khoản hỗ trợ đối với các đại lý.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông
Chưa kể nhiều khi khoản hỗ trợ này không hẳn từ Công ty TNHH Nhà Máy Bia Heineken Việt Nam mà xuất phát từ ngân sách marketing của các phòng, ban hoặc từ cá nhân nhân viên bán hàng. Do đó khi cần đẩy mạnh truyền thông họ hỗ trợ cho nhà phân phối còn nếu không cần họ sẽ cắt đi, Luật sư Huế cho biết.
Trên thực tế, chẳng riêng Heineken mà có rất nhiều hãng khác đều đưa ra chính sách để nhà phân phối bán độc quyền cho hãng như vậy.
Những hành động cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường bao gồm: Bán phá giá, hay tìm cách thâu tóm và độc quyền. Đối với trường hợp này, đây là thoả thuận với nhà phân phối, chưa hẳn có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh bởi đại lý vẫn có thể đưa ra lựa chọn của họ, nếu không đồng ý với mức hỗ trợ mà Heineken đưa ra, họ hoàn toàn có thể bán hàng cho một hãng khác, Luật sư Huế nhìn nhận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận