menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thanh Huyền

Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra, giám sát bưng bít, che dấu sai phạm cho SCB như thế nào?

Các thành viên trong đoàn thanh tra, giám sát đã bao che sai phạm cho SCB, trong đó bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Ngày 5-3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng về hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có những sai phạm của các bị cáo thuộc đoàn thanh tra, giám sát đối với SCB.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra, giám sát bưng bít, che dấu sai phạm cho SCB như thế nào?

Trong ngày làm việc thứ hai, đại diện VKSND tiếp tục công bố cáo trạng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Vụ án này có tổng cộng 16 bị cáo là cựu cán bộ cơ quan thanh gia giám sát ngân hàng (TTGSNH) Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, NHNN, trưởng đoàn thanh tra, bị truy tố về tội nhận hối lộ, với cáo buộc đã nhận 5,2 triệu USD.

Bỏ ngoài báo cáo nhiều sai phạm

Cụ thể, cáo trạng xác định Cơ quan TTGSNH đã thành lập Đoàn thanh tra tại SCB năm 2017-2018 và được triển khai thành 2 đợt thanh tra. Đợt một ngày 1-8-2017, Nguyễn Văn Hưng, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra SCB, trưởng đoàn là bà Đỗ Thị Nhàn. Đoàn thanh tra có trách nhiệm thanh tra về hoạt động cấp tín dụng; các khoản lãi và phí phải thu; thực trạng xử lý nợ xấu; đánh giá hoạt động quản trị...

Sau khi có kết quả của những sai phạm tại SCB, các thành viên trong đoàn thanh tra đã có hành vi bao che sai phạm theo đề xuất, kiến nghị của SCB.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra, giám sát bưng bít, che dấu sai phạm cho SCB như thế nào?

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Suốt hai ngày xét xử, bà Nhàn luôn né ống kính phóng viên. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh và Bùi Tuấn Khoa (trực tiếp chỉnh sửa là Nguyễn Tuấn Anh) bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4, nhóm 5 đối với ba dự án: Mũi Đèn Đỏ; Dự án 6A; Dự án Royal Garden, với tổng dư nợ 37.953 tỉ đồng, số trích lập DPRR là 18.796 tỉ đồng và thoái lãi dự thu 3.093 tỉ đồng.

Số liệu sau khi chỉnh sửa được thể hiện các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch là: Nợ xấu từ 91.067 tỉ đồng (tỷ lệ 35,87%) xuống còn 53.114 tỉ đồng (tỉ lệ 20,92%); Vốn chủ sở hữu từ -19.154,130 tỉ đồng thành +2.757,443 tỉ đồng...

Với số liệu chỉnh sửa này, Nhàn đã chỉ đạo đưa vào dự thảo báo cáo Đoàn thanh tra ngày 11-1-2018 cho 18 thành viên đoàn ký để báo cáo Nguyễn Văn Hưng; đồng thời tại mục “Thực trạng tài chính của SCB”, qua kết quả thanh tra có đề xuất đủ điều kiện đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, khi trình lên Nguyễn Văn Hưng đã chỉ đạo bỏ nội dung này ra khỏi báo cáo của NHNN để báo cáo Chính phủ.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra, giám sát bưng bít, che dấu sai phạm cho SCB như thế nào?

Bị cáo cựu Nguyễn Văn Hưng, cựu phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (thuộc NHNN). Ảnh: HOÀNG GIANG

Cạnh đó, các thành viên trong đoàn thanh tra cũng thực hiện hành vi báo cáo đề xuất không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra khi tại phần kết luận của Báo cáo kết quả thanh tra, đối với nội dung phân loại nhóm nợ và Trích lập DPRRđã bỏ ngoài toàn bộ số liệu nợ xấu và trích lập DPRR. Đồng thời báo cáo cũng không nêu rõ, không đưa số liệu thực trạng tài chính yếu của SCB (nợ xấu và phân loại nợ xấu, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế, hệ số CAR,…) đã làm nhẹ đi nội dung, tính chất, mức độ các sai phạm tại các dự án, phương án tái cơ cấu.

Điều chỉnh kế hoạch thanh tra

Cáo trạng cũng xác định các bị cáo còn có hành vi điều chỉnh kế hoạch thanh tra không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo hướng có lợi cho SCB.

Cụ thể, sau khi triển khai kế hoạch thanh tra nhận thấy nếu thanh tra các khoản vay sau ngày 30-6-2017 thì phải làm rõ mục đích sử dụng tiền vay và đẩy dư nợ của SCB lên, Đỗ Thị Nhàn điện thoại báo cáo Nguyễn Văn Hưng xin ý kiến về việc phải chỉnh sửa kế hoạch, theo đó thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với nhóm 71 khách hàng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.

Từ việc xác định thanh tra dư nợ “khách hàng đã tất toán tại thời điểm thanh tra” sửa thành thanh tra “khách hàng có dư nợ tại thời điểm ngày 30-6-2017 và đã tất toán không còn dư nợ tại thời điểm 31-3-2018 hoặc tất toán trong thời gian thanh tra”; mục đích các việc điều chỉnh là để hướng đến việc kết luận SCB xử lý các khoản vay trước 30-6-2017 hết dư nợ, không phải kiểm tra mục đích sử dụng tiền, nguồn tiền trả nợ và các khoản vay khi đã tất toán thì không còn thiệt hại, không phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra xử lý.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Đoàn thanh tra, giám sát bưng bít, che dấu sai phạm cho SCB như thế nào?

Do lượng bị cáo quá đông, nhiều bị cáo phải ngồi bên ngoài phòng xử chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

Như vậy, Nguyễn Văn Hưng với vị trí là phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra là người trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra lên NHNN và Chính phủ.

Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn Thanh tra thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, trực tiếp chỉ đạo Nguyễn Thị Phụng và tổ tổng hợp (gồm: Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Văn Khoa) lập, chỉnh sửa các báo cáo của Đoàn Thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra. Các thành viên còn lại của Đoàn thanh tra có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính Phủ và ra Kết luận thanh tra theo hướng:

(1) Không đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu;

(2) Không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định;

(3) Ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 514.102 tỉ đồng.

Nhận nhiều tiền, quà từ Trương Mỹ Lan

Trong quá trình thanh tra tại SCB, các bị cáo đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của SCB để thực hiện những hành vi sai phạm nêu trên.

Cụ thể: Nguyễn Văn Hưng đã nhận 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng đã nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng; 01 đồng hồ; 01 túi xách và 01 chiếc khăn; Các bị can Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 02 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương chỉ thừa nhận đã nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng, không thừa nhận đã nhận 5.000 USD; Nguyễn Văn Thùy đã nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 01 áo sơ mi, 01 áo phông và 01 hộp yến; Trương Việt Hưng đã nhận 6.000 USD.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn còn bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan để bao che sai phạm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
6 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại