Vụ 'thổi giá' test kit Việt Á: Lợi dụng chống dịch bất chấp luật pháp
Đó là nhận định của các chuyên gia, luật sư khi nói về việc "thổi giá" bộ xét nghiệm liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á và một số trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành.
Theo đó, quy trình chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19 để chống dịch là cần thiết nhưng hiệu quả chỉ định thầu mua sắm lại phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm của lãnh đạo các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế địa phương.
4 bước chỉ định thầu rút gọn
Chỉ định thầu rút gọn chỉ được áp dụng trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh, nên pháp luật cũng quy định rõ người đứng đầu các đơn vị thực hiện chỉ định thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trong khi đó, kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ việc Công ty CP công nghệ Việt Á "thổi giá" bộ xét nghiệm COVID-19 khi bán cho CDC và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỉ đồng cho thấy các bên liên quan đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm của các địa phương trên cả nước để trục lợi.
Cụ thể, bộ xét nghiệm COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên ông Phan Quốc Việt - giám đốc Công ty Việt Á - đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo một số đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Như vậy, các bên liên quan đã lợi dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn trong mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 để trục lợi. Vậy quy trình chỉ định thầu rút gọn thế nào mà ông Phan Quốc Việt đã dễ dàng thông đồng với các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế của các tỉnh, thành phố để "thổi giá"?
Theo quy định điểm a, khoản 1, điều 22; điểm b, khoản 2, điều 38 của Luật đấu thầu, trừ gói thầu cần bảo đảm bí mật nhà nước thì quy trình chỉ định thầu rút gọn như sau:
Bước 1, chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu (ở đây là các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành phố) tự xác định và giao cho nhà thầu (các doanh nghiệp cung ứng bộ xét nghiệm COVID-19) có năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu.
Bước 2, trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao thầu, các bên phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu. Theo đó, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng mua bộ xét nghiệm, sinh phẩm y tế cho nhà thầu (ở đây là Công ty Việt Á).
Trong dự thảo hợp đồng mua sắm phải xác định yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện, chất lượng công việc cần đạt được và giá trị tương ứng để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng.
Bước 3, trên cơ sở kết quả thương thảo hợp đồng, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế có trách nhiệm quản lý gói thầu mua bộ xét nghiệm COVID-19, sinh phẩm y tế tự phê duyệt và công khai kết quả chỉ định thầu.
Bước 4, các CDC, các bệnh viện, trung tâm y tế có trách nhiệm quản lý gói thầu ký kết hợp đồng với nhà thầu được chỉ định thầu.
Giao quyền gắn với trách nhiệm, không được tùy tiện
TS Trần Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (nay là Cục Quản lý đấu thầu) - cho rằng chỉ định thầu rút gọn hay không rút gọn suy cho cùng vẫn là con người, cán bộ thực hiện việc mua sắm bộ xét nghiệm. Họ cố tình đục khoét chứ không phải quy trình có lỗ hổng vì quốc gia nào trong bối cảnh dịch bệnh, chiến tranh, địch họa cũng cho phép làm rút gọn.
Chỉ định thầu rút gọn để rút ngắn thời gian mua bộ xét nghiệm COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh, khẩn cấp nếu làm đàng hoàng không có gì sai. Nhưng rõ ràng với việc Công ty Việt Á lót tay cho lãnh đạo CDC Hải Dương 30 tỉ đồng để được cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 là tham nhũng, tiêu cực.
Tình huống dịch bệnh cấp bách, nguy hiểm nếu không cho chỉ định thầu rút gọn để mua bộ xét nghiệm phục vụ chống dịch thì ảnh hưởng tới tính mạng người dân. Cấp bách từng ngày, từng giờ nên phải cho địa phương chỉ định thầu rút gọn, mua sắm vật tư, chống dịch chậm một ngày có thể chết nhiều người.
"Quy trình thực hiện chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm không có gì sai, nhưng những cán bộ có trách nhiệm liên quan lại không giữ mình, vì thế đã dẫn tới tình trạng thông đồng, thổi giá" - TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, trong chỉ định thầu rút gọn mua bộ xét nghiệm COVID-19, CDC các địa phương sẽ tự chọn một đơn vị đủ năng lực để cung cấp thiết bị, rồi sau đó họ mới làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Quyền của lãnh đạo các CDC, các bệnh viện trong chỉ định thầu này rất lớn, nên họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
CDC địa phương đã áp dụng bối cảnh cấp bách dịch bệnh để mua bộ xét nghiệm COVID-19 nhưng không có nghĩa họ được mua sắm tùy tiện. Luật đấu thầu tạo điều kiện thông thoáng cho mua sắm thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng không có luật nào cho phép lãnh đạo các CDC, bệnh viện, quan chức địa phương, bộ, ngành được nhận tiền lót tay khi tổ chức đấu thầu.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập - Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 triển khai rất gấp, các nhà cung cấp rất ít, cái khó là không có thị trường thực sự cho cả mặt hàng, giá cả.
Vì thế việc mua bộ xét nghiệm phụ thuộc vào chỉ đạo của Bộ Y tế, mặt hàng cũng đặc biệt. Thực tế Bộ Y tế đã duyệt nhà cung cấp, duyệt mặt hàng, Bộ Y tế đã có chỉ đạo về mặt hàng và nhà cung cấp, ai được tham gia cung ứng đã rõ rồi.
Về giá thì bộ cũng công bố giá khuyến nghị, vì thế không có thị trường, không còn đấu thầu cạnh tranh nữa. Bối cảnh này rất dễ bị lạm dụng. Việc "thổi giá" bộ xét nghiệm là tội phạm có tổ chức, được chuẩn bị bài bản chứ không đơn giản lòng tham, trục lợi ngẫu nhiên.
"Thậm chí người phạm tội tính được hậu quả vì thế hệ thống giám sát bị vô hiệu hóa, hậu kiểm thông thường và thanh tra, kiểm tra không có tác dụng, nên cơ quan điều tra phải vào cuộc làm rõ" - luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Trần Hào Hùng - cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư - khẳng định Luật đấu thầu đã quy định rất rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện được chỉ định thầu, trình tự chỉ định thầu, rồi hồ sơ chỉ định thầu rút gọn.
Còn việc thực hiện chỉ định thầu, mua sắm bộ xét nghiệm COVID-19 ở CDC, bệnh viện, trung tâm y tế các tỉnh thế nào các địa phương tự thực hiện theo quy định. Đồng thời, CDC, bệnh viện các địa phương chỉ định thầu mua bộ xét nghiệm với giá bao nhiêu họ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành vi của Công ty Việt Á thông đồng với CDC, bệnh viện các địa phương để "thổi giá" bộ xét nghiệm COVID-19 là hành vi bị cấm theo điều 89 Luật đấu thầu.
Các bên đã thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, đó là: đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; và gian lận trong đấu thầu.
Các nhà thầu vi phạm ngoài việc xử lý trách nhiệm hình sự còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách nhà thầu vi phạm trên mạng đấu thầu quốc gia.
Bối cảnh dịch bệnh, cán bộ các CDC nhận tiền lót tay hàng chục tỉ đồng để thông thầu, "thổi giá" là không thể chấp nhận vì đến khi hậu kiểm thì sự việc đã diễn ra rồi. TS Trần Việt Hùng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận