Vụ tấn công của Iran là nước cờ “xuống thang“ khi không có thương vong cho Mỹ?
Iran đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào ít nhất hai căn cứ quân sự ở Iraq, có quân đội Mỹ đồn trú vào rạng sáng ngày thứ Tư (8/1), đáp trả một hoạt động của Mỹ nhằm loại bỏ một trong những chỉ huy quân sự chủ chốt của nước này, Tướng Qassem Soleimani. Tuy nhiên, qua quy mô và hậu quả sau động thái này của Tehran, các tuyên bố của lãnh đạo Iran và phản ứng của chính quyền Mỹ không cho thấy sự leo thang của cuộc khủng hoảng giữa hai bên, mà ngược lại, những tia hy vọng lại lóe lên trước bờ
Không có thương vong cho Mỹ
Theo tính toán của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), cơ quan có trách nhiệm hoạt động chủ yếu ở khu vực Trung Đông, Iran đã bắn 15 quả tên lửa vào căn cứ Ain al-Assad và Sân bay Erbil.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc lại không báo cáo bất kỳ thương vong nào xảy ra đối với lực lượng của cơ quan này.
Theo các nhà quan sát, nước cờ của Iran là hành động đáp trả nhưng vẫn giữ thể diện cho Washington, và đồng thời, về cơ bản, là để tránh làm tình hình thêm trầm trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã gửi một thông điệp trên trang Twitter cá nhân rằng, Tehran đã hoàn thành một hành động trả đũa mà họ cho là “tương xứng” với việc giết chết Soleimani.
“Iran đã thực hiện và hoàn thành các biện pháp tự vệ tương xứng theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc nhắm đến căn cứ mà từ đó những cuộc tấn công hèn hạ nhắm vào công dân và quan chức của chúng ta được tiến hành”, Ngoại trưởng Iran viết.
Không phải đợi lâu, phía chính quyền Mỹ đã có phản ứng đầu tiên sau vụ tấn công.
13 phút sau thông điệp của Ngoại trưởng Iran được đăng tải, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng viết trên Twitter cá nhân: ”Mọi việc đều ổn”.
Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp tại Nhà Trắng với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, theo truyền thông phương Tây.
Theo ông Trump, việc đánh giá thiệt hại từ vụ pháo kích của Iran vẫn tiếp tục, nhưng "mọi thứ đều ổn". Người đứng đầu chính quyền Mỹ hứa, ông sẽ đưa ra tuyên bố chính thức vào thứ Tư (tối và đêm nay - giờ Việt Nam) liên quan đến sự kiện này.
Giới phân tích lạc quan
Trong khi đó, giới chuyên gia phân tích phương Tây thở phào nhẹ nhõm trước hậu quả “không quá tồi tệ” với những gì đã xảy ra ở Iraq và qua các dòng tweet của Tổng thống Trump cũng như Ngoại trưởng Zarif.
"Bộ trưởng Ngoại giao Iran đang tìm kiếm lối thoát. Tiêu đề quan trọng nhất cho hôm nay. Ông Trump hẳn là rất vui khi đã có lý do để nhượng bộ. Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa thể được khắc phục. Nhưng đang tiến gần đến mục tiêu đó... Hiện tại là ngoại giao thực sự giữa Mỹ và Iran”, Ian Bremmer, nhà phân tích chính sách đối ngoại, người sáng lập và chủ tịch của Eurasia Group, một công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế, nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, cần phải đối mặt với thực tế là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là một người trung thành với đường lối cứng rắn đối với Iran.
Theo báo chí Mỹ, ông Pompeo là một trong những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Mỹ, người khăng khăng đòi giết Soleimani. Và cũng phải nói luôn rằng, như các quan chức chính phủ Mỹ đã công nhận gần đây, ông Trump quyết định bật đèn xanh cho kế hoạch tiêu diệt Soleimani, trên thực tế, đã khiến ban lãnh đạo Lầu Năm Góc kinh ngạc. Ông Trump một thời gian dài đã không hề ủng hộ kế hoạch này.
Về phần mình, Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, bày tỏ ý kiến, bài phát biểu dự kiến vào sáng thứ Tư (8/1) sẽ mang đến cho ông Trump cơ hội để đáp lại lời “cam đoan” của Ngoại trưởng Zarif rằng, Iran không muốn leo thang căng thẳng và đặc biệt là không muốn chiến tranh.
Một vài giờ trước khi Iran tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố, Washington muốn “xuống thang”, nhưng “quả bóng”, theo ông đang lăn về phía Tehran.
Phát biểu với báo giới tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Mark Esper nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng trước tiên Iran phải giảm leo thang. Điều đó cũng sẽ đòi hỏi Tehran ngồi vào bàn đàm phán với mục tiêu ngăn chặn đổ máu hơn nữa và đòi hỏi họ ngừng các hoạt động xấu xa trên toàn khu vực. Mỹ để ngỏ việc thảo luận với Iran, nhưng sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ các lợi ích của mình”.
Hiện tại, “quả bóng” này đã lại về nằm trong tay Mỹ. Washington sẽ quyết định rẽ vào con đường nào, liệu giới lãnh đạo Mỹ có đủ can đảm và nhẫn nhịn để gạt bỏ mối đe dọa về một cuộc xung đột vũ trang mới ở Trung Đông hay không? Câu trả lời sẽ có khi thế giới bắt đầu một ngày làm việc mới vào ngày mai, sau màn diễn thuyết được chờ đợi của ông Trump.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận