Vụ siêu dự án Sài Gòn Đại Ninh ảnh hưởng gì đến bất động sản Lâm Đồng?
Sau những sai phạm của Dự án Sài Gòn Đại Ninh khiến nhiều lãnh đạo tỉnh ở Lâm Đồng bị khởi tố, bất động sản khu vực này rớt giá không phanh.
Đất quanh dự án rớt giá thảm vẫn không có người mua
Anh Nguyễn Văn Thanh có một lô đất bên hồ Đại Ninh có diện tích 7.500m2, view rất đẹp, nhìn qua hồ là dự án Sài Gòn Đại Ninh. Dự kiến, khi siêu dự án hoàn thành, đứng ở lô đất của anh có thể ngắm cảnh khu sinh thái từ xa.
Anh Thanh cho biết, năm 2019 giá lô đất của anh chỉ 2,5 tỉ đồng, nhưng anh chưa mua. Đến giữa năm 2021, khi biết thông tin dự án Sài Gòn Đại Ninh tiếp tục được chính quyền cho phép đầu tư, anh Thanh quay lại và đã chấp nhận đầu tư giá 8,2 tỉ đồng.
Đến giữa năm 2023, biết được thông tin khởi tố mấy lãnh đạo liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh, anh lên mạng rao bán với giá 3,75 tỉ đồng nhưng không ai hỏi han.
Anh Nguyễn Văn Chinh cũng đầu tư vào bất động sản bên hồ Đại Ninh, cho biết, năm 2019 từ Hà Nội vào đầu tư gần 3ha bên hồ Đại Ninh, với giá 4,1 tỉ đồng sau đó anh thấy người ta san lấp mặt bằng trái phép trên đất nông nghiệp, anh cũng đầu tư một máy múc san lấp nền, để bán. Thế nhưng, vừa bắt đầu san lấp thì bị công an thu máy, xử phạt. Buồn lòng, anh để đó, đến năm 2021 tự nhiên có người trả anh 9 tỉ đồng, anh bán luôn.
Theo anh Chính bây giờ chủ lô đất đó đang rao bán với giá 3,5 tỉ đồng.
Theo ghi nhận của PV, nhiều người dân có đất xung quanh dự án Sài Gòn Đại Ninh mới thật sự "dở khóc dở cười".
Anh Nguyễn Xuân Thành, quê Nam Định, cho biết: "Năm 2019 tôi vào đây mua 2.000m2 đất rẫy của người dân bên cạnh dự án, với giá 1,3 tỉ đồng. Đến giữa năm 2021, giá đất tại đây cao ngất ngưởng, tôi dẫn người vào để xem nhưng đường đi phải qua cổng dự án nên bị bảo vệ ngăn lại. Bây giờ lại càng khó, để đó chẳng ai ngó".
Bất động sản Lâm Đồng trầm lắng
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, số liệu liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã được tổng hợp từ 46/46 tổ chức hành nghề công chứng, có đăng ký hoạt động đến ngày 15/12/2023.
Theo đó, tổng số giao dịch bất động sản quý 4/2023 của đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư, nhà ở xã hội là 4.438 giao dịch, giảm 880 giao dịch so quý trước.
Ở phân khúc đất nền, cả tỉnh Lâm Đồng quý 4/2023 đạt 4.140 giao dịch với tổng giá trị 4.742 tỷ đồng. Những địa phương có tình hình giao dịch đất nền sôi động nhất là huyện Bảo Lâm 797 giao dịch; huyện Lâm Hà 753 giao dịch; huyện Đức Trọng 738 giao dịch; huyện Di Linh 429 giao dịch; TP.Bảo Lộc 375 giao dịch. Còn giao dịch nhà ở riêng lẻ thì chủ yếu tập trung tại TP.Đà Lạt với 137 giao dịch; huyện Đức Trọng 108 giao dịch; TP.Bảo Lộc 40 giao dịch. Đối với phân khúc này, giá bán trung bình đạt khoảng 5,3 tỉ đồng/căn.
Chuyên gia bất động sản Hoàng Đức Quyết cho biết, năm 2023, thị trường bất động sản Lâm Đồng đã đối diện với thách thức về nguồn cung lẫn thanh khoản suy giảm.
Những năm 2022 và 2023, nhiều sai phạm về đầu tư bất động sản tại Lâm Đồng đang làm ảnh hưởng niềm tin.
Đơn cử, tháng 4/2023, Công an huyện Bảo Lâm khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam nhiều cán bộ liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, cụ thể chỉnh sửa dữ liệu làm sai lệch hồ sơ để phân lô, tách thửa. Rồi đến vụ khởi tố chủ tịch tỉnh Lâm Đồng liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh. Hiện tại các dự án lớn tại Lâm Đồng đang chôn chân tại chỗ, trầm lắng, ít giao dịch.
Chính tình hình giao dịch trầm lắng, niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay khiến không ít doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Những doanh nghiệp còn tồn tại cũng phải nỗ lực gấp nhiều lần so giai đoạn trước để có thể vượt qua thách thức.
Theo ông Quyết, năm 2024 bất động sản Lâm Đồng sẽ không còn là thế mạnh khu nghỉ dưỡng, những dự án lớn, mà sự phục hồi của thị trường bất động sản Lâm Đồng dự báo sẽ bắt đầu từ nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội và đất nền giá rẻ. Đặc biệt mới đây, Lâm Đồng đã quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024 với việc đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện thủ tục liên quan về quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập.
Cụ thể, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu tăng thêm khoảng 1.149.410 m2 sàn nhà ở, tương ứng 16.334 căn. Trong đó, nhà ở thương mại là 252.831 m2, tương ứng 3.160 căn; nhà ở xã hội là 71.070 m2, tương ứng 1.236 căn; nhà ở tái định cư 42.240 m2, tương ứng 704 căn; nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây khoảng 783.269 m2, tương ứng 11.190 căn.
Căn cứ suất vốn đầu tư nhà ở và diện tích tăng thêm của từng loại nhà ở, dự báo tổng số vốn phát triển nhà ở năm 2024 khoảng 11.047 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại là 3.161 tỷ đồng; nhà ở xã hội với 653 tỷ đồng; nhà ở tái định cư với 388 tỷ đồng; nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây với 6.845 tỷ đồng.
Ông Quyết kỳ vọng, từ quý 3/2024 cùng với thông tin Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt. Kèm theo là chính sách hỗ trợ vốn của ngân hàng; UBND tỉnh ban hành chính sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư... sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản Lâm Đồng tăng trưởng và phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, khó khăn nhất vẫn là giải phóng mặt bằng, mà nguyên nhân chủ yếu do giá trị đền bù theo thực tế cao, khiến dự án khó triển khai. Vì vậy, thời gian tới, nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giúp ích rất lớn vào việc hỗ trợ thị trường bất động sản Lâm Đồng phục hồi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận