24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn

Xoay quanh vụ việc xuất khẩu điều bị lừa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy.

- Được biết, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã hành động rất quyết liệt, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận luật sư tại Italy để tư vấn, tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát các lô hàng hạt điều. Vậy đến nay, kết quả như thế nào, thưa ông?

Ngày 5/3/2022 có 1 doanh nghiệp báo cáo sự việc, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã ngay lập tức khởi hành đi gần 700km đến cảng biển Genova, phía Bắc Italy, để xử lý vụ việc, vì nếu chậm một chút là bên mua có thể thông quan nhận hàng của Việt Nam mà không trả tiền. Thương vụ đã làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan. Đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng và đúng lúc Thương vụ đến thì người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận mấy container này.

Hãng vận tải giải thích theo luật thương mại quốc tế thì hãng phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc, không thì họ sẽ kiện. Thương vụ giải thích sự việc người xuất khẩu Việt Nam bị lừa vì chưa nhận được tiền mà người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc theo một cách nào đó ở bên Italy. COSCO thấy Tham tán Thương mại Việt Nam trực tiếp đến rất nhanh để ngăn chặn vụ việc nên tin tưởng Thương vụ Đại sứ quán không thể lừa dối được và tham vấn với các luật sư, nên đã đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua.

Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi Công hàm tới các Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh Tài, Bộ Kinh tế phát triển, các cơ quan cảng biển, hải quan, cảnh sát kinh tài, phòng thương mại khu vực, DHL, ngân hàng... để thông báo vụ việc xuất khẩu điều bị lừa đảo lớn này và phối hợp hỗ trợ.

Ngày 8/3/2022, Thương vụ Đại sứ quán mới nhận được công văn của Hiệp hội hạt điều Việt Nam là có gần 10 công ty xuất khẩu Việt Nam đã xuất đi 100 containers cho nhóm công ty lừa đảo tại Italy trị giá gần ngàn tỷ đồng. Đây quả thực là một vụ lừa đảo lớn trong thời gian ngắn chưa từng xảy ra.

Thương vụ cũng ngay lập tức triển khai tiếp hướng dẫn những việc cần làm: Các bộ hồ sơ gốc chưa gửi phải giữ lại ngay; bộ nào gửi DHL rồi phải yêu cầu gửi trả lại ngay; bộ nào đã bị nhóm người xấu nhận rồi phải báo chi tiết tên người nhận, thời gian và địa điểm nhận để tìm cách truy vết. Tại Việt Nam, Thương vụ đã đề nghị Hiệp hội điều Việt Nam và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế TP.HCM ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu tạm dừng việc giao hàng đã đến cảng Italy cho người có chứng từ gốc. Tiếc rằng đến nay, việc này chưa xử lý được tại Việt Nam khiến khối lượng công việc mà Thương vụ Đại sứ quán phải xử lý khá lớn, trong đó có việc gặp các hãng tàu ở Italy và các cơ quan liên quan để đề nghị dừng giao hàng.

Ngày 10/3/2022, Thương vụ cùng Đại diện thường trú TTXVN đi phía Nam Italia làm việc với các ngân hàng, DHL, quân cảnh, cảng Napoli... để truy tìm chứng từ và tìm hiểu nguyên nhân thất thoát chứng từ vào tay nhóm lừa đảo.

Chính phủ, các Bộ ngành Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải, Công an... đang tích cực triển khai các biện pháp tiếp theo để xử lý vụ việc này.

Hiệp hội Hạt điều Việt Nam, các doanh nghiệp liên quan và các luật sư cũng đang tích cực hoàn thiện hồ sơ vụ việc đưa ra tòa ở Italy và Tòa ở Việt Nam để xử lý.

Cho đến chiều ngày 17/3/2022, Cảnh sát kinh tài Italy đã ra Quyết định tạm giữ 16 containers của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Thưa ông, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã chịu thiệt hại như thế nào trong vụ lừa đảo này? Trong những ngày tới, Thương vụ Việt Nam tại Italy sẽ tiếp tục có động thái nào để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam?

Do đánh động nhanh và mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam đã dừng không giao hàng tiếp theo. Trên thực tế, họ mới chỉ giao khoảng 70 containers. Trong số 100 containers đã ký, ngoài những containers đã giao hàng thì đã dừng ngay không giao bộ chứng từ gốc (OBL). Những bộ chứng từ đã chuyển qua DHL thì yêu cầu gửi trả trở lại Việt Nam. Do đó, đến hôm nay chỉ còn khoảng 36 bộ chứng từ của 36 containers trong tổng số 100 containers bị mất kiểm soát chứng từ.

Cảnh sát Kinh Tài cảng biển Genova đã ra 3 Lệnh giữ hàng với tổng cộng 16 containers đã và sắp tới cảng này.

Như vậy cho đến nay chỉ còn khoảng 20 containers bị mất kiểm soát với bộ chứng từ. Trị giá mỗi containers khoảng 200.000 USD, tổng cộng khoảng 4 triệu USD, tương đương khoảng 86 tỷ đồng. Như vậy đã giảm nguy cơ thiệt hại lớn từ gần ngàn tỷ đồng xuống còn 86 tỷ đồng.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro liên quan lô hàng 36 containers này, đó là phải đòi được chứng từ gốc hoặc phải có phán quyết của các cơ quan Tòa án Italy/Việt Nam thì mới có thể trả lại sở hữu cho người xuất khẩu Việt Nam và để bán cho người mua khác. Ngoài ra còn có rủi ro liên quan đến việc chậm trễ, vì hạt điều không thể để quá lâu ở cảng, gây tốn phí lưu kho bãi và hàng hóa hư hỏng.

Trong những ngày tới, Thương vụ sẽ đi lên cảng phía Bắc La Spezia (một cảng khác của Italy) để làm việc dừng các containers sẽ cập cảng trong vài ngày tới và sẽ cập nhật với quý vị.

- Qua vụ việc này, theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần có lưu ý gì trong việc tìm kiếm, sàng lọc đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán để giảm thiểu rủi ro?

Phương thức D/P thường chỉ được thực hiện giữa người mua và người bán có quan hệ tốt từ trước, tin tưởng nhau gần như hoàn toàn; nhưng rủi ro vẫn chủ yếu do bên bán chịu: giá cả thay đổi trên thị trường... khiến người mua đổi ý muốn gây sức ép giảm giá...

Ngoài các phương thức thanh toán trên thì có những phương thức hỗn hợp mà không thể nêu hết được. Những phương thức dựa trên lòng tin thì kể cả hai bên ghi số, cho nhận hàng bán rồi trả sau... rồi hàng đổi hàng. Trước đây có Tổng Công ty Xuất khẩu Tổng hợp I thường xuyên thực hiện xuất nhập khẩu theo phương thức hàng đổi hàng với khách hàng nước ngoài có quan hệ truyền thống tốt.

Trường hợp mua bán hạt điều vừa qua thì nghe nói có người môi giới tạo lòng tin của người xuất khẩu Việt Nam nên các công ty Việt Nam tin tưởng người môi giới dẫn đến bị lừa hàng loạt...

Từ trước tới nay, ngoài việc thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam, tại các hội thảo hợp tác kinh tế hoặc diễn đàn giao thương, chúng tôi cũng luôn lưu ý doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản thanh toán. Không chỉ tại Italy, mà tình trạng lừa đảo diễn ra ở khắp các nước trên thế giới. Bài học rút ra là các doanh nghiệp cần thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, nhất là điều khoản về thanh toán, cần xác minh doanh nghiệp để hiểu về đối tác của mình.

Các doanh nghiệp nên liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng. Nhiều vụ việc đã xảy ra rồi, doanh nghiệp Việt Nam mới liên hệ với Thương vụ để đi xác minh công ty Italy. Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italy chỉ là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà sản xuất không có nhân viên xuất nhập khẩu có ngoại ngữ, chuyên môn ngoại thương nên khó khăn, kể cả có nhân viên chuyên môn ngoại thương nhưng cũng cần phải luôn trau dổi kiến thức, kinh nghiệm. Nếu doanh nghiệp không đủ khả năng tuyển nhân viên chuyên môn thì nên thuê theo hợp đồng, trao đổi với những công ty trong cùng lĩnh vực..., trong đó vai trò của các Hiệp hội cũng cần được nâng cao.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là nơi xử lý tranh chấp nên có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu hãng tàu tại Việt Nam ra lệnh cho chi nhánh của mình ở Italy dừng không giao hàng cho người nhận hàng dù có bộ chứng từ gốc do họ chiếm đoạt bất hợp pháp OBL khi chưa trả tiền cho người bán. Đến nay đã có bằng chứng lừa đảo là Hãng tàu Cosco đã thu giữ ít nhất 1 OBL của 1 container hàng của Việt Nam. Hơn nữa, đây là vụ lừa đảo lớn, là vụ kiện tập thể nên cần có những biện pháp khẩn cấp, mạnh mẽ để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.

Các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan của Việt Nam cần đưa ra các biện pháp khẩn cấp chống lừa đảo quy mô lớn để bảo vệ doanh nghiệp của mình. Nếu không thì làm sao chúng ta có thể đòi hỏi các cơ quan công quyền, tòa án ở nước ngoài đưa ra các biện pháp nhanh, mạnh bảo vệ cho doanh nghiệp của Việt Nam? Bởi vì họ phải luôn có quan điểm bảo vệ cho người dân, doanh nghiệp của họ, phải tuân thủ các luật lệ tập quán thương mại quốc tế.

Sắp tới, chúng ta cần tổ chức thêm nhiều hội thảo, khóa học hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chống lừa đảo thương mại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả