Vụ MobiFone/AVG: "Mời" bộ trưởng, Ủy viên Trung ương vào trại giam rất khó khăn!
Về vụ MobiFone/AVG, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nói: ""Mời" bộ trưởng, Ủy viên Trung ương vào trại giam là rất khó khăn. Nhiều người nói tôi đừng bắt. Nhưng không bắt thì không làm được. Án ma túy thì dễ hơn vì có địch, có ta còn án tham nhũng thì trong nội bộ khó hơn nhiều".
Sáng nay 4-9, tại phiên họp cho ý kiến vào báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 của Chính phủ do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) tổ chức, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã có giải thích thêm về vụ MobiFonemua 95% cổ phần Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG).
Trước đó, ngày 3-9, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), ủy viên UBTP đặt vấn đề: "Tham nhũng "vặt" nhưng vặt có nghiêm trọng không? Báo cáo nhập chung vi phạm về kinh tế và tham nhũng vào chung thì thấy kết quả đấu tranh ít ỏi quá, nhân dân sẽ nghĩ chưa phản ánh hết tình hình".
Theo ông Nghĩa, một số vụ rất to nhưng khi xét xử chỉ là tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn và "vắng bóng" tội tham nhũng, rất ít vụ án mà bị cáo bị kết tội tham nhũng.
"Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là MobiFone mua cổ phần AVG thì thấy có dấu hiệu tham nhũng, còn nhiều vụ nằm trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo nhưng thấy rất ít hành vi tham nhũng. Kể cả vụ đánh bạc qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự là tình hình thực tế tham nhũng chỉ như vậy hay khó quá không điều tra ra?"- ông Nghĩa bày tỏ.
Làm rõ băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu là từ "miệng", nên đấu tranh để cho họ thừa nhận đã nhận hối lộ tiền triệu USD là không đơn giản.
"Ngay từ đoạn đầu đã khó khăn, riêng chuyện "mời" mấy ông Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương vào trong trại giam cũng là một cuộc đấu tranh. Nhiều người nói tôi là đừng bắt, nhưng không bắt không làm được, trong khi Đảng hỏi tại sao không làm"- ông Lê Minh Trí trải lòng.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng năm sau đã làm tốt hơn năm trước, đặc biệt là chuyện có đối tượng đã nhận là nhận triệu USD, nửa triệu USD thì trước đây không có.
Người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng đây là nỗ lực lớn của các cơ quan tố tụng trong điều kiện còn nhiều hạn chế và rất cần sự chia sẻ, động viên vì "án tham nhũng rất khó, khó hơn cả án ma tuý".
"Án ma túy thì còn dễ hơn vì có địch, có ta còn án tham nhũng thì trong nội bộ khó hơn nhiều"- ông Lê Minh Trí chia sẻ.
Cũng tham gia làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tham nhũng hay lẩn vào các vụ án kinh tế, có vi phạm về kinh tế mới ra tham nhũng được; tội phạm kinh tế và tham nhũng thường gắn với nhau.
"Đồng ý với ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu là rất khó điều tra hành vi tham nhũng. Trong tham nhũng thì hành vi tham ô còn dễ phát hiện hơn, vì liên quan đến sổ sách, lấy tiền ra chia nhau. Còn chuyện đưa/nhận hối lộ là rất khó khăn. Báo chí đưa tin kết thúc điều tra vụ MobiFone/AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền nong này chỉ có người đưa, người nhận. Chỉ anh biết, tôi biết, trời biết ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó. Nhưng cũng phải nói là các đối tượng rất thành khẩn chứ nếu không cũng khó"- Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên, trong đó bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Theo kết luận điều tra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc, mong muốn ông Son chỉ đạo để sớm bán được cổ phần. Ngoài ra, ông Nguyễn Bắc Son biết nhiệm kỳ Bộ trưởng đến tháng 4-2016 là hết nên muốn có dấu ấn tạo ra cho MobiFone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Ông Son cũng nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất. Sau khi hoàn thành dự án, MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son (tại số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đưa cho ông Son 3 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh. Ngoài ra, ông Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận, vào dịp lễ, tết, ông Son đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone, cụ thể 200 triệu đồng dịp 30-4-2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone, dịp Tết âm lịch 2016. Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, chị H., con ông Nguyễn Bắc Son, khai chị có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son và bà L. (vợ ông Son) vào TP HCM thăm chị H. nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể nào. Chị H. không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Son. Kết quả đối chất với ông Son, chị H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền. Cũng theo kết luận điều tra, đối với chị H., căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai của những người liên quan, chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc chị H. nhận và sử dụng tiền. Do vậy, không đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với chị Nguyễn Thị Thu H.. Ngoài ông Son, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc của ông Tuấn, đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Quá trình điều tra, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn nhận thức số tiền nhận từ ông Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã viết đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận