Vụ "Mở lon Việt Nam", tuần tới Coca - Cola sẽ sửa hết quảng cáo
Coca-Cola Việt Nam đã thay cụm từ “Mở lon Việt Nam” trong chương trình khuyến mãi sản phẩm sau khi bị cơ quan quản lý "tuýt còi' vì cho rằng việc dùng cụm từ này trái với quy định của Luật Quảng cáo. Công ty cho biết, sẽ hoàn tất việc thay thế quảng cáo vào tuần đầu của tháng 7-2019.
Toàn bộ quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được cập nhật nội dung mới. Việc thay đổi sẽ hoàn tất vào tuần đầu của tháng 7-2019, tức tuần tới.
Trước đó, Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các sở văn hóa thể thao và du lịch, sở văn hóa thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
Cơ quan này cho rằng, việc sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại khoản 3 điều 8 và khoản 1, điều 19 Luật Quảng cáo.
Vì vậy, Cục Văn hóa Cơ sở yêu cầu chỉnh sửa cụm từ "Mở lon Việt Nam"; yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên phương tiện bảng, băng rôn.
Khoản 3, điều 8 Luật Quảng cáo quy định hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo là: "quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam". Khoản 1, điều 9 quy định yêu cầu đối với nội dung quảng cáo là "nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".
Vụ việc này đang gây "bão" trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên mạng xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, không thuyết phục khi cơ quan quản lý nhận định, việc dùng cụm từ "Mở lon Việt Nam" là thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thông tin không rõ ràng. Một khẩu hiệu quảng cáo phải đảm bảo ngắn gọn, dễ nhớ nên doanh nghiệp khó có thể dùng những cụm từ như "Mở lon Coca - Cola tại Việt Nam" hay "Chương trình mở lon Coca - Cola...." để có một cụm từ có nghĩa, bảo đảm ngữ pháp như lời của một quan chức của Cục Văn hóa Cơ sở nói khi nhận xét về vụ việc.
Thêm vào đó, sản phẩm quảng cáo ở đây là nước giải khát có gas đựng trong lon thì dùng từ "lon" chứ không lẽ lại dùng khác... nên việc lo ngại là chữ "lon" khi đưa vào các bảng hiệu quảng cáo với các trang trí có hình thù nhìn như dấu, mũ có thể làm người đọc thành chữ khác, không hay là không hợp lý. Nếu đã cố tình nghĩ không hay thì chữ nào người ta cũng có thể nghĩ này nọ không chỉ với chữ "lon".
Nhiều người cho rằng, khái niệm vi phạm thuần phong mỹ tục cũng khó có thể gán trong trường hợp này vì khi nghe cụm từ quảng cáo "Mở lon Việt Nam" là họ nghĩ đến việc mở một lon nước ngọt chứ ít ai thắc mắc là "cái lon Việt Nam là cái lon gì"... Vì thế, cơ quan quản lý phải có quy định cụ thể là như thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí quy định rõ những từ ngữ như thế nào thì không được dùng trong quảng cáo để doanh nghiệp dễ tuân thủ.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý không phải là không có lý khi tuýt còi vụ này. Có người cho rằng, với tiếng Việt, trong rất nhiều trường hợp nghĩa của từ rất rõ ràng khi có dấu nhưng khi dùng từ không dấu trong các bảng hiệu, băng rôn, hashtag, tên website... thì lại ra nghĩa của một từ khác. Vì thế nên chẳng ai có thể lấy tên món hàng mà mình muốn bán như trái bưởi hay con heo (lợn) để đăng ký tên miền như buoi.vn hay lon.vn vì những từ này có thể có nghĩa gây hiểu nhầm khi dùng từ không có dấu.
Cũng theo thông tin từ trang web của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Coca-Cola giải thích công ty đưa thông điệp ban đầu chỉ nhằm hướng dẫn khách là mã khuyến mãi dưới nắp khoen sản phẩm mà không xét đến các yếu tố ngữ văn khác. Nếu đúng như giải thích này thì sự bất cẩn trong cách dùng ngôn ngữ đã làm doanh nghiệp gặp rắc rối với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có ý kiến cho rằng, nhờ rắc rối này mà doanh nghiệp lại được hưởng lợi nhờ tốc độ lan truyền khủng khiếp của cụm từ "Mở lon Việt Nam".
Trong những ngày này, cụm từ trên cùng với thương hiệu Coca - Cola xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Khi người đọc, người dùng mạng xã hội càng bàn luận nhiều thì thương hiệu càng được quảng cáo nhiều hơn cho nên dù có phải gỡ bỏ thì chương trình quảng cáo đó cũng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận