Vụ lừa đảo mua chung cư ở Tây Hồ: Tòa án vi phạm tố tụng nghiêm trọng?
Các luật sư trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hành việc chung cư lấy tiền chênh lệch ở quận Tây Hồ (TP. Hà Nội), cho rằng HĐXX vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình xét xử.
Nhiều vi phạm tố tụng?
TAND quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) vừa đưa vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ra xét xử. Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Thị Vân A. (SN 1984, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, nhân viên mối giới bất động sản) và Trần Thị L. (SN 1989, trú tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
Theo cáo trạng, từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 8/2019, thông qua mối giới mua bán căn hộ chung cư, hai bị cáo trên đã đã lừa đảo, chiếm đoạt của bà Ngô Thị Thu Th. (SN 1942, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) 200 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo L. trình bày tại phiên tòa nhiều dấu hiệu cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án nhưng HĐXX bỏ qua, như: L. bị công an cải trang là người đi xem nhà và bắt L. trên xe ôtô biển trắng của họ nhưng sau này lại kết luận L. viết đơn ra đầu thú. Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền (Chủ tọa phiên tòa) lại nói rằng làm như thế là có lợi cho bị cáo.
Ngoài ra, L. khai cơ quan CSĐT đã thay đổi đơn trình báo của bị hại, ban đầu viết tay rất dài, trong đó đó viết cả về Hồ Thị H. (trong hội môi giới bất động sản) nhưng sau này đã bị thay bằng đơn trình báo bằng mẫu của Công an, chỉ có một mặt giấy và không có tên Hồ Thị H. trong đó.
Bên cạnh đó, bị cáo L. và các luật sư chỉ ra nhiều sai phạm trong hồ sơ vụ án, yêu cầu trả hồ sơ để điều tra lại để bị cáo L. được khai đúng sự thật, đồng thời yêu cầu nhà mạng khôi phục tin nhắn SMS, Zalo… giao dịch với Hồ Thị H. và đối chất làm rõ các mâu thuẫn các lời khai có trong hồ sơ vụ án, nhưng tất cả đều không được HĐXX xem xét.
Cũng theo luật sư bị cáo Ly, sau phiên xét xử buổi sáng, trưa ngày 30/7/2020, bị cáo L. phải đi cấp cứu ở Viện 108, đến phiên tòa buổi chiều, Thẩm phán Huyền đã thông báo: "9h sáng mai 31/7/2020 xử tiếp, không cần biết tình trạng sức khỏe bị cáo L. đang ở tình trạng thế nào, suy kiệt sau một thời gian dài bị điều tra, truy tố".
"Việc thông báo của Thẩm phán Huyền đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì ban hành quyết định của HĐXX và tống đạt cho những người tham gia tố tụng mới có giá trị thực hiện", luật sư Lê Quốc Đạt nhấn mạnh.
Đáng chú ý, bị cáo L. đang nhận viện để điều trị, HĐXX vẫn xử vắng mặt, không triệu tập 2 luật sư của bị cáo. Và HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Vân A. 7 năm tù, bị cáo L. 9 năm tù.
Luật sư "tố" Chánh án TAND quận Tây Hồ
Liên quan đến vụ án này, luật sư Đào Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty luật TNHH Thiên Đức và luật sư Lê Quốc Đạt - Giám đốc Công ty luật TNHH Trí Tuệ là những người đảm nhận bào chữa cho bị cáo Trần Thị L. đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh – Chánh án TAND quận Tây Hồ.
Đơn tố cáo được gửi đến Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, Chánh án TAND TP. Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội, Bí thư Quận ủy quận Tây Hồ, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, các cơ quan báo chí, truyền thông.
Theo đơn của các luật sư, bà Nguyễn Thị Thanh – Chánh án TAND quận Tây Hồ, đã có dấu hiệu cản trở hành nghề luật sư đối với luật sư Đào Thị Lan Anh và không chỉ đạo thụ lý đơn khởi kiện vụ án Hành chính của Công ty Luật TNHH Trí Tuệ đã khởi kiện từ ngày 1/3/2017 và không giải quyết kiến nghị tại công văn số 50/2020/CV ngày 24/7/2020 liên quan đến Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền đang xét xử bị cáo Trần Thị L. trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại quận Tây Hồ.
Theo đó, ngày 27/7/2020, luật sư Đào Thị Lan Anh gửi hồ sơ đến TAND quận Tây Hồ đăng ký làm người bào chữa cho bị cáo Trần Thị L. nhưng không được TAND quận Tây Hồ giải quyết.
"Sáng 30/7/2020, Luật sư Đào Thị Lan Anh đến tham dự phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị L. (phiên tòa xét xử công khai) đã bị đuổi ra khỏi phòng xét xử, uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong con mắt những người tham dự phiên tòa và đối với gia đình bị cáo L. Trách nhiệm này thuộc về Chánh án TAND quân Tây Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh", đơn tố cáo nêu rõ.
Cũng theo luật sư Lê Quốc Đạt, hành vi Chánh án Nguyễn Thị Thanh không giải quyết kiến nghị tại công văn số 50/2020/CV ngày 24/7/2020 của Công ty Luật TNHH Trí Tuệ với nội dung công văn trên kiến nghị Chánh án TAND quận Tây Hồ xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm của Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền, Chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Trần Thị L.
Luật sư Đạt đã được chồng bị cáo cung cấp file ghi âm, trong đó có đoạn được cho là giọng nói của Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền, nội dung: " … tất cả là do con vợ em, nó hư quá không thể chấp nhận được, bây giờ làm khổ cho bọn chị. Những tình tiết, điều luật quá nặng…, từ hôm nọ đến giờ rất cố gắng tìm kiếm tình tiết để giảm xem có được không nhưng mà không họp tác, bây giờ lại còn thuê Luật sư vào để quậy, giở trò thế này thì chả giải quyết được vấn đề gì mà có khi lại còn mất thiện cảm, mất cảm tình ý chứ...".
Theo vị luật sư, công văn trên của Công ty Luật TNHH Trí Tuệ không được Chánh án TAND quận Tây Hồ xem xét giải quyết mà lại giao cho Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền mang ra cùng HĐXX giải quyết trong phiên tòa xét xử bị cáo L., Thẩm phán Huyền yêu cầu chồng của bị cáo L. phải nộp máy điện thoại có chưa file ghi âm ngay tại phiên tòa.
"Đây là sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì HĐXX chỉ xét xử những vấn đề liên quan đến phạm vi truy tố của cáo trạng (tức là hoạt động tố tụng), còn kiến nghị tại công văn số 50/2020/CV ngày 24/7/2020 của Công ty luật TNHH Trí Tuệ là một việc mang tính hành chính, thuộc thẩm quyền giải quyết của Chánh án TAND quận Tây Hồ chứ không phải của HĐXX do Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền làm chủ tọa", luật sư Đạt cho hay.
Báo chí bị gây khó khi đăng ký tham gia phiên tòa công khai
Tại phiên tòa trên, phóng viên Nhadautu.vn và đồng nghiệp đến làm thủ tục tham dự, tác nghiệp tại phiên tòa không được Thẩm phán Huyền 'thông qua' bảo vệ không chấp nhận.
Dù phóng viên giải thích chấp hành đầy đủ quy định về chống dịch COVID-19, quy định của Chánh án (đến trước phiên tòa 15 phút), vị bảo vệ TAND Tây Hồ nói: "Thắc mắc thì đi hỏi Thẩm phán giải thích". Phóng viên đã liên hệ với Thẩm phán Nguyễn Thu Huyền (qua điện thoại vì không thể tiếp xúc) nhưng không nhận được phản hồi.
Theo tìm hiểu, Điều 4 của Thông Tư 01/2014/TT-CA của Chánh án TAND Tối cao về "Hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa": Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa; chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phòng xử án.
Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/01/017 đã quy định rõ tại Khoản c, d Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định như sau: Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận