Vũ khí hạng nặng đổ vào Ukraine, chạy đua trước trận chiến ở Donbas
Các lực lượng Nga đang cố gắng di chuyển tạo một thành gọng kìm, kẹp chặt các đơn vị Ukraine ở Donbas. Liệu pháo binh, xe tăng và máy bay không người lái của phương Tây có kịp thời đến đó không?
Các nước phương Tây đang nhanh chóng đổ vũ khí hạng nặng tới Ukraine khi cuộc chiến bước vào giai đoạn mới được nhận định là sẽ nguy hiểm, khốc liệt và có khả năng kéo dài.
Chiến trường mới đòi hỏi vũ khí mới
Những đợt giao hàng này diễn ra trong bối cảnh các chỉ huy chiến trường Ukraine ngày càng mạnh mẽ thúc giục viện trợ trước viễn cảnh họ không thể chống chịu được hỏa lực pháo và tên lửa của Nga kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng.
Trong hai tuần qua, chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu gửi đi lượng lựu pháo trị giá 1,2 tỷ USD, khoảng 200.000 viên đạn pháo, hàng loạt xe bọc thép, radar phản lực và máy bay không người lái vũ trang tấn công liều chết.
Lô hàng này là một bước tiến đáng kể so với các lô hàng vũ khí nhỏ và tên lửa chống tăng vác vai Javelin vốn chiếm ưu thế trong 8 tuần giao tranh đầu tiên, và được cho là đã giúp Ukraine ngăn cản các cuộc tấn công của Nga về phía thủ đô Kiev trong những tuần đầu xung đột.
Hôm 22/4, Pháp và Canada lần đầu tiên công bố kế hoạch mới gửi các hệ thống pháo tầm xa, trong khi Anh đang tìm cách trang bị thiết giáp hạng nặng cho Ba Lan nếu Warsaw gửi xe tăng tới Ukraine.
Theo công bố mới, Pháp cho biết đang cung cấp một số pháo tự hành Caesar cho Ukraine và hiện đang đào tạo 40 binh sĩ Ukraine tại Pháp về cách sử dụng các loại pháo uy lực gắn sau xe tải 6 bánh.
Pháo Caesar mà Pháp từng sử dụng ở Afghanistan và đã bán cho các đồng minh NATO, có tầm bắn từ 38 đến 54km, mang lại cho lực lượng Ukraine khả năng khai hỏa chính xác ở khoảng cách đáng kể. "Chúng tôi sát cánh với người dân Ukraine", Bộ Quốc phòng Pháp cho biết trong tuyên bố hôm 22/4.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng gợi ý rằng chính phủ của ông đang xem xét một thỏa thuận gửi xe tăng Anh đến Ba Lan, nếu Warsaw quyết định gửi một số xe tăng T-72 từ thời Liên Xô tới Ukraine. Ba Lan có thể theo bước Cộng hòa Séc, nước gần đây đã cung cấp một số chiếc T-72 cho Kiev, loại xe tăng mà Ukraine biết cách vận hành.
Điện Kremlin đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công các đoàn xe tải chở đầy vũ khí qua biên giới Ba Lan, hiện có tải trọng hàng hóa lớn hơn nhiều, bao gồm đại bác, xe bọc thép cỡ lớn và phụ tùng cho máy bay chiến đấu MiG của Ukraine. Các quan chức phương Tây từ lâu cũng tỏ ra lo ngại về những chuyến hàng này, nhưng cho đến nay các chuyến hàng đã đến nơi vẫn còn nguyên vẹn, cho phép Kiev tiếp tế cho quân đội dọc theo chiến tuyến.
Ngày 24/4, trong chuyến công du bất ngờ tới Kyiv (Kiev) của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Mỹ đã công bố hơn 300 triệu USD tài trợ quân sự giúp Ukraine sở hữu vũ khí phức tạp hơn, cùng với 165 triệu USD cho đạn dược.
Tình hình nguy cấp trên chiến trường phía Ukraine
Sự chuyển biến nhanh chóng trong nỗ lực viện trợ phản ánh sự thừa nhận của phương Tây rằng cuộc chiến mới có thể sẽ bị chi phối bởi các trận địa pháo và xe tăng khi các đơn vị bộ binh đổ bộ trên những cánh đồng bằng phẳng ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, việc đưa những vũ khí mới này tới được mặt trận một cách nhanh chóng cũng sẽ rất quan trọng trong những ngày tới.
Khi những tính chất của cuộc chiến thay đổi, một làn sóng đội quân thiết giáp của Nga đang nhắm vào các đơn vị Ukraine trấn giữ phòng tuyến phía bắc của thành phố Mariupol, nơi vài trăm tay súng tiếp tục cố thủ trong những đường hầm ngầm bên dưới nhà máy thép Azovstal.
Cách thành phố này 130km về phía bắc, Trung úy Ivan Skuratovsky, phục vụ trong Lữ đoàn Dù 25, nói với tờ Politico rằng sự trợ giúp cần phải đến ngay lập tức.
“Tình hình rất tồi tệ, [các lực lượng Nga] đang sử dụng chiến thuật tiêu thổ. Họ phá hủy mọi thứ bằng pháo binh, pháo kích cả ngày lẫn đêm”, Skuratovsky cho biết trong tin nhắn gửi phóng viên Politico.
Viên sĩ quan Ukraine lo sợ rằng nếu lực lượng tiếp viện dưới dạng nhân lực và vũ khí hạng nặng - đặc biệt là hỗ trợ trên không - không đến kịp trong vài ngày tới, quân đội của anh có thể rơi vào tình thế tương tự như ở Mariupol. Skuratovsky mô tả tình hình binh lính của mình là "rất tuyệt vọng."
“Tôi không biết chúng tôi còn lại bao nhiêu sức lực”, Skuratovsky nói và cho biết thêm rằng binh sĩ dưới quyền chỉ huy của anh xung quanh thành phố Avdiivka, gần Donetsk, đã chiến đấu không ngừng nghỉ kể từ khi xung đột bắt đầu. Ít nhất 13 người đã bị thương trong những tuần gần đây, và họ đang cạn kiệt đạn dược một cách nguy hiểm.
Skuratovsky cũng gửi một thông điệp cho Mỹ và các nước NATO khác: “Tôi muốn nói với họ rằng súng phóng lựu là tốt, nhưng chống lại các cuộc không kích và pháo hạng nặng, chúng tôi sẽ không thể cầm cự được lâu. Con người không thể chịu đựng thêm những đợt bắn phá hàng ngày. Chúng tôi cần hỗ trợ trên không ngay bây giờ. Chúng tôi cần máy bay không người lái”.
Chiến thuật tiêu thổ và gọng kìm của Nga
Những lời đề nghị khẩn thiết của viên trung úy cũng giống với những lời thúc giục của Tổng thống Volodymyr Zelensky, người trong nhiều tuần qua đã yêu cầu các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ khi cuộc chiến bước vào giai đoạn mới.
Nga được cho đang chuyển chiến thuật từ các cuộc tấn công đơn vị nhỏ ở phía bắc Ukraine sang chiến thuật tiêu thổ, với cuộc tấn công bằng pháo san phẳng các thị trấn và các vị trí của Ukraine.
Các lực lượng Nga dường như tập hợp theo thế gọng kìm, bắt đầu từ phía bắc và phía nam, nhằm kẹp ít nhất 30.000 quân Ukraine ở phía đông và có thể cắt đứt nguồn tiếp tế của họ.
Hiện tại, vũ khí và viện trợ cho Ukraine đang tới, nhưng khi giai đoạn tấn công mới của Nga bắt đầu, việc phản công từ xa có thể sẽ là chìa khóa thành công của Ukraine.
Pháo binh là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ukraine, và các đơn vị tình nguyện đã sử dụng hiệu quả phi đội máy bay không người lái thương mại và tự chế để phát hiện các vị trí của Nga, cho phép tấn công pháo chính xác vào các dãy xe bọc thép.
Cùng với xe tăng và xe bọc thép, Mỹ cũng đang gửi đến loại vũ khí có năng lực mới. Gói mới bao gồm 121 máy bay không người lái Phoenix Ghost có thể bay trong 6 giờ, kể cả vào ban đêm, phát hiện các vị trí đối phương trước khi bay thẳng vào mục tiêu và kích nổ đầu đạn.
Máy bay không người lái Phoenix Ghost chỉ mới được Mỹ phát triển và chế tạo trong vài tháng qua, và quân đội Ukraine sẽ là những người đầu tiên đưa chúng vào sử dụng trên chiến trường.
Rob Lee, một nhà phân tích quân sự và là thành viên cấp cao trong Chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nhận định máy bay không người lái có thể sẽ tạo ra khác biệt thực sự ở chiến trường Donbass.
Trong khi đó, trung uý Skuratovsky cho biết binh sĩ của anh, hiện chỉ có một máy bay không người lái, với khả năng khiêm tốn là thả một quả lựu đạn nhỏ, sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu nhận được máy bay không người lái Phoenix Ghost, cho phép họ có thể tấn công pháo binh Nga.
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận