menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Long

Vũ khí chủ chốt của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ

Theo Bloomberg, Chính phủ Trung Quốc được cho là đang có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho hàng nghìn công ty khởi nghiệp (startup) trong những lĩnh vực chiến lược, với hy vọng đây sẽ là vũ khí giúp nước này cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

Tại Trung Quốc, các “ông lớn” công nghệ như Alibaba hay Tencent dường như không còn được lòng giới chức nước này, trong khi đó, những "người khổng lồ tí hon" (little giant) lại đang phát triển mạnh mẽ. Đây là thế hệ startup mới được chọn lựa trong khuôn khổ một chương trình đầy tham vọng của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược của nước này cạnh tranh với các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon. Những công ty này thường không nổi đình đám thường tập trung vào các lĩnh vực sáng tạo và đổi mới, với các ngành trọng điểm là robot, máy tính lượng tử và chất bán dẫn.

Uisee, startup xe tự lái, là một trong những công ty may mắn nhận danh hiệu “người khổng lồ tí hon’’ sau khi chính phủ đánh giá công nghệ mà công ty này phát triển. Điều đó đã giúp Uisee thu hút được nhiều lợi ích và vốn đầu tư. Năm ngoái, công ty huy động được 1 tỷ NDT (157 triệu USD) trong đó có nguồn vốn từ quỹ đầu tư nhà nước. Startup này cũng đã trở thành "kỳ lân" công nghệ với mức định giá ít nhất 1 tỷ USD.

Nhà sáng lập Uisee, ông Wu Ganshan, chia sẻ: “Các công ty (mang danh hiệu ‘người khổng lồ tí hon’) phải sở hữu một số ưu điểm mà những doanh nghiệp khác không có”.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chương trình “người khổng lồ tí hon” này trong hơn 10 năm qua, nhưng người ta chú ý đến nó nhiều hơn sau khi giới chức nước này liên tục thanh tra và “chấn chỉnh” hoạt động của các “đại gia” công nghệ hàng đầu như Alibaba hay Tencent. Danh hiệu “người khổng lồ tí hon” trở thành thước đo giá trị thể hiện khả năng “miễn nhiễm” của các công ty này trước cơn bão pháp lý trong lĩnh vực công nghệ. Chủ tịch Tập Cận Bình trước đó đã lên tiếng ủng hộ chương trình này.

Lee Kai-Fu, Giám đốc công ty đầu tư mạo hiểm Sinovation cho biết: "Chương trình này đem lại lợi ích cho các công ty khởi nghiệp trong nhiều mặt. Đây vừa là khoản trợ cấp, vừa là niềm vinh dự lớn lao, vừa là sự chấp thuận”.

Chương trình này là trọng tâm trong chiến lược tham vọng nhằm tái xây dựng vị thế toàn cầu của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc. Trong hai thập kỷ qua, nước này chủ yếu áp dụng mô hình Thung lũng Silicon, cho phép các doanh nghiệp tự do theo đuổi tham vọng tăng trưởng. Đây là tiền đề khai sinh ra những đế chế công nghệ như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, “ông lớn” truyền thông xã hội Tencent hay ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng TikTok đình đám.

Tuy nhiên, do lo ngại vị thế độc quyền của các doanh nghiệp này, trong năm ngoái, giới chức Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt quy định mới, chỉ đạo các công ty công nghệ tái định hướng theo những ưu tiên của chính phủ. Khi Bắc Kinh đặt mục tiêu chuyển nguồn lực sang công nghệ trọng điểm như chip hay phần mềm doanh nghiệp, các “gã khổng lồ tí hon’’ trở thành “ngư ông đắc lợi” trong bối cảnh này.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã trao danh hiệu “người khổng lồ tí hon’’ cho 4.762 công ty, đa số thuộc lĩnh vực chất bán dẫn, máy móc và dược phẩm. Danh hiệu này đi kèm rất nhiều ưu đãi từ chính quyền trung ương và địa phương, ví dụ như giảm thuế, nới lỏng tín dụng hay chính sách thu hút nhân tài thuận lợi.

Không phải mỗi Trung Quốc tạo điều kiện cho sự phát triển của startup, các chính phủ từ Mỹ, châu Âu đến châu Phi đều thiết lập các chương trình để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nhưng nỗ lực của Trung Quốc vượt qua tất cả các nước khác cả về quy mô, nguồn lực và tham vọng. Chủ tịch Tập Cận Bình đã thiết lập hàng loạt kế hoạch với nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ USD để xây dựng sức mạnh kinh tế, ổn định xã hội và sự độc lập về công nghệ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tạo động lực để Bắc Kinh thúc đẩy mạnh mẽ các chiến lược tự chủ công nghệ. Điểm yếu của Trung Quốc đã lộ ra khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đưa tập đoàn công nghệ Huawei và tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế SMIC vào “danh sách đen”. Điều đó đã ngăn các công ty này mua các linh kiện của Mỹ như chip và phần mềm công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

Khái niệm “người khổng lồ tí hon” đã xuất hiện từ năm 2005, khi chính quyền tỉnh Hồ Nam đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. MIIT đã tán thành chiến dịch của tỉnh Hồ Nam, trong đó bao gồm cấp đất và hỗ trợ tài chính, như một mô hình để phát triển khu vực tư nhân. Chính quyền các địa phương khác như Thiên Tân cũng đã bắt đầu đưa ra những sáng kiến của riêng họ.

Đến năm 2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra, đó cũng là thời điểm chính phủ trung ương bắt đầu nghiêm túc thúc đẩy chương trình “người khổng lồ tí hon”. MIIT đã công bố kế hoạch tạo ra khoảng 600 “người khổng lồ tí hon” để phát triển các công nghệ cốt lõi, thúc đẩy cạnh tranh và tìm kiếm những công ty có triển vọng nhất.

Cho đến nay, Trung Quốc đã mở rộng quy mô chương trình ra hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó, khoảng 1.000 "người khổng lồ tí hon’’ được ưu tiên hàng đầu. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc đã lên kế hoạch rót ít nhất 10 tỷ NDT để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nay đến năm 2025. Mục tiêu của nước này là tạo ra 10.000 "người khổng lồ tí hon’’ vào năm 2025.

Những “người khổng lồ tí hon” đã trở thành mục tiêu phổ biến của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Một số startup trong chương trình này đã có thể huy động vốn trong sáu tháng và tăng định giá của công ty thêm 50-75%. Một quỹ đầu tư thậm chí chỉ rót vốn vào các công ty được chính phủ xác định là “người khổng lồ tí hon”.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các startup phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trung Quốc đã thiết lập một sàn giao dịch chứng khoán chuyên dụng ở Bắc Kinh vào năm ngoái để giúp các doanh nghiệp nhỏ huy động vốn.

Bà Guan Yaxin, Giám đốc điều hành startup về công nghệ robot ForwardX Robotics, khẳng định mặc dù quy mô nhiều startup là rất nhỏ so với những tập đoàn đa quốc gia, nhưng chính phủ nhìn thấy tiềm năng những công ty này có thể trở thành “người khổng lồ thực sự’’ một ngày nào đó.

Ở một góc nhìn khác, Giáo sư Barry Naughton - nhà kinh tế Trung Quốc tại Đại học California (Mỹ) chỉ ra một rủi ro lớn đối với những nỗ lực của Bắc Kinh. Thành công của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc trong 10 năm qua một phần lớn là nhờ các doanh nhân như Jack Ma của Alibaba và Zhang Yiming của ByteDance tự do xây dựng doanh nghiệp theo mục tiêu của họ. Việc thay đổi mô hình kinh doanh để tập trung vào các ưu tiên của chính phủ có nguy cơ dẫn đến lãng phí và sự suy yếu của những doanh nghiệp đầu ngành này./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại