Vụ DongA Bank: Luật sư xin giảm án cho cựu công an liên quan 2.000 lượng vàng
Luật sư cho rằng mức hình phạt 10 năm tù đối với Nguyễn Hồng Ánh là quá nặng.
Ngày 30/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra sai phạm tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) với phần tranh luận của các luật sư.
Luật sư Nguyễn Thành Công, tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Ánh, nguyên là cựu cán bộ công an TP.HCM. Theo bản án sơ thẩm, ngày 14/1/2008, Nguyễn Hồng Ánh cùng vợ là Lương Ánh Trúc ký hợp đồng vay ngắn hạn 2.000 lượng vàng SJC của DAB. Sau nhiều lần đảo nợ, đến ngày 26/1/2010, ông Ánh còn nợ DAB 1.900 lượng vàng SJC.
Nhưng sau đó, ông Ánh đã bàn bạc thống nhất với Trần Phương Bình là chỉ đưa hơn 32,5 tỷ đồng cho ngân hàng DAB (tiền trong sổ tiết kiệm của Ánh gửi tại DAB), phần chênh lệch còn lại (1.200 lượng vàng SJC) thì Bình chỉ đạo cấp dưới cho Ánh tất toán khống. Ông Bình cũng đã sử dụng hết toàn bộ số tiền 32,5 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của Ánh đã nộp vào DAB để trả nợ. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho DAB gần 86 tỷ đồng.
Cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Ánh 10 năm tù về hành vi cố ý làm trái. Ở tòa này, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm y án sơ thẩm. Luật sư của bị cáo Ánh cho rằng mức án này là chưa thỏa đáng, chưa xem xét toàn diện tình hình chung, nguyên nhân và bối cảnh mà Ánh đã thực hiện.
Luật sư nêu, Ánh là khách hàng lâu năm, thân thuộc trong nhiều hoạt động kinh doanh, vay nợ của DAB. Khi thị trường giá vàng tăng đột ngột, nhà nước quy định không được cho vay vàng mà chuyển sang tiền đồng làm cho khoản vay vàng của Ánh trở thành gánh nặng bắt buộc phải xử lý, tất toán. Tại phiên tòa vào chiều 27/5, vị chủ tọa đã hỏi bị cáo Bình và được trả lời về quá trình thực hiện tất toán khống khoản vay của Ánh dựa trên quan hệ đặc biệt giữa 2 bên.
“Chính trong bối cảnh ấy mà khi bị cáo Bình xác định sẽ giúp tất toán cho khoản vay, trong khi tài sản dễ thanh khoản nhất là số tiền trong sổ tiết kiệm trị giá 32 tỷ đã được bị cáo Ánh đồng ý cùng với khoản bị cáo Bình cho mượn để tất toán khoản vay 1.900 lượng vàng, tương đương với 85 tỷ đồng. Vì nghĩ là tiền của bị cáo Bình cho mượn để tất toán như một giao dịch thông thường giữa 2 bên đã từng thực hiện nên bị cáo Ánh không bận tâm sự vi phạm pháp luật và đã ký các hồ sơ tất toán”, luật sư Công trình bày.
Luật sư cũng nêu, hoạt động tất toán không phải của các thủ quỹ DAB làm được mà do bộ phận kế toán và tín dụng của DAB mới làm được. Các thủ quỹ của DAB chỉ làm được việc ký phiếu thu tiền nhưng không nộp tiền vào kho quỹ gây ra sự thiếu tiền của kho quỹ. Hậu quả trực tiếp ở đây là thiếu quỹ do các thủ quỹ không nhập tiền vào quỹ chứ không phải là mất tiền do kế toán tất toán sai. Mà quỹ DAB thiếu quỹ 1.900 lượng vàng, không phải chỉ mất 53 tỷ như án sơ thẩm nhận định.
Luật sư cho rằng, qua tài liệu chứng từ kế toán và lời khai của các cán bộ kế toán, cán bộ tín dụng trong vụ án đã làm rõ sự thật là khoản vay DAB 1.900 lượng vàng theo Hợp đồng tín dụng số K.0544/4 ngày 28/1/2010 của bị cáo đã được tất toán ngày 29/2/2012, và DAB đã gửi thông tin xóa nợ khoản vay này về Trung tâm theo dõi tín dụng cá nhân của Ngân hàng nhà nước (CIC).
Luật sư viện dẫn, tất cả các báo cáo tài chính tháng 2/2012, báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính năm 2012, 2013, 2014 của DAB cũng đều thể hiện khách hàng Nguyễn Hồng Ánh không còn nợ DAB khoản vay 1.900 lượng vàng và đều chuyển thông tin về Trung tâm theo dõi tín dụng cá nhân của Ngân hàng nhà nước. Như vậy, rõ ràng là không có việc tất toán khống như bản án sơ thẩm đã nhầm lẫn giữa tất toán khống của các cán bộ kế toán và hoạt động thu khống của các thủ quỹ DAB.
Luật sư cho rằng, hoạt động tất toán Hợp đồng tín dụng số K.0544 của bị cáo Ánh hoàn toàn hợp pháp, tại phiên tòa sơ thẩm, tất cả mọi người tham gia việc tất toán trên đều xác nhận đã làm việc đúng quy trình. Điều này được thể hiện trong Biên bản phiên tòa sơ thẩm và trả lời phần xét hỏi của chủ tọa vào chiều 27/5, cũng như trả lời của luật sư vào chiều 28/5 của 2 bị cáo Trần Thế Hùng và Lê Kiên Giang.
“Phân tích nội dung này để thấy được ý thức chủ quan của bị cáo Ánh sau khi đã được tất toán khoản nợ thì tin tưởng rằng đây là khoản mà ông Trần Phương Bình cho mượn”, luật sư cho biết.
Theo luật sư, bị cáo Ánh ngay từ ban đầu không vay vàng mà chỉ vay tiền. Chỉ vì giá vàng bình ổn trong nhiều năm, tỷ lệ lãi thấp hơn tiền đồng nên ông Bình đã khuyên Ánh nên chuyển sang vay vàng để có lợi hơn. Vì vậy với khoản nợ 30 tỷ, Ánh đã chuyển sang vay 2.000 lượng vàng để chỉ trong vòng vài tháng giá tăng thẳng đứng một thành ba, 30 tỷ trở thành 85 tỷ, lại bị áp lực từ DAB là phải chuyển sang tiền đồng không được tiếp tục vay vàng. Vì vậy “cái phao” mà bị cáo Bình đưa ra hoàn toàn hợp lý, giúp đỡ lúc ngặt nghèo.
Luật sư mong HĐXX lưu ý, khoản vay 1.900 lượng vàng của bị cáo Ánh là có tài sản đảm bảo, khoản vay hoàn toàn hợp pháp. Vào thời điểm thực hiện tất toán khống khoản vay 53 tỷ thì bị cáo Ánh có tài sản đảm bảo cho khoản vay mà nếu giải quyết thông thường theo quy định của DAB thì cũng tất toán được khoản vay.
Luật sư cũng nêu bị cáo Ánh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất và công tác. Bị cáo đã được vợ là bà Nguyễn Huy Trường Hồng nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo có cha, mẹ đều tham gia kháng chiến, được tặng nhiều huân chương, ông nội bị cáo là liệt sĩ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận