Vụ chuyến bay giải cứu: Chủ doanh nghiệp tố gặp khó khăn cùng cực, bị quát tháo, ép đưa hối lộ
Bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) trả lời các câu hỏi của HĐXX về việc xin cấp giấy phép thực hiện các chuyến bay giải cứu đã khai bị nhóm cán bộ thuộc tổ công tác 5 Bộ làm khó, thậm chí quát tháo, ép đưa hối lộ.
Cựu thư ký lãnh đạo Bộ Y tế đòi chung chi 150 triệu/chuyến bay
Sau gần một ngày công bố cáo trạng, cuối giờ chiều 11/7, HĐXX tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Trước khi bắt đầu xét hỏi, HĐXX quyết định cách ly bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao); Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng điều tra thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an).
Bị cáo Phạm Trung Kiên |
Trả lời đầu tiên, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho hay, quá trình xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đã bị hai bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế) gọi điện “ép” đưa tiền.
Theo bị cáo Dương, khi gặp mặt Phạm Trung Kiên, Dương bị người này quát tháo và bảo: “Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến".
Trong khi gặp mặt Vũ Anh Tuấn thì bị nói: "Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt".
Trước sức “ép” của hai cựu cán bộ đại diện cho Bộ Y tế và Bộ Công an, Dương buộc phải đưa cho Kiên 1,1 tỷ đồng, Tuấn 1,6 tỷ đồng.
Bị 'gạt' hồ sơ vì không đưa tiền cho nữ Cục trưởng
Cũng theo trình bày của Dương, trước đó anh ta từng xin thực hiện các chuyến bay giải cứu nhưng do không đưa tiền nên bị "làm khó" mỗi lần nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đều bị “gạt đi”.
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan |
“Ở Cục Lãnh sự, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo bị cáo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực", Dương nói.
Tại bản kết luận điều tra trước đó thể hiện, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ, đã chi tiền trước hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Bà Lan còn hướng dẫn các doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được Cục Lãnh sự ưu tiên.
Bị cáo giải thích rằng, khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 – 9 tỷ đồng.
Trong khi đó, việc không chịu đưa tiền đã khiến Cục Lãnh sự gây khó, còn công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ “mai bay hôm nay mới biết mình được về” là hành hạ họ.
“Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân đâu mà hành dân", bị cáo Dương bức xúc khi khai tại tòa.
Cũng tại phần trả lời xét hỏi của mình, Dương cho biết ngoài Kiên và Tuấn, bị cáo còn phải đưa cho Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ tại Angola) 864 triệu đồng. Theo Dương, tại Angola không có các hãng hàng không nên muốn được hạ cánh đón người, phải có đại diện ngoại giao cấp bay.
Hồ sơ xin cấp phép suôn sẻ sau cuộc gặp cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Bị cáo Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) khai toàn bộ sơ cấp phép bay giải cứu đều nộp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Tương tự như các bị cáo trả lời trước đó, Mai thừa nhận bản thân đưa tiền hối lộ cho Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế). Ngoài Kiên, Mai còn đưa cho Ngô Quang Tuấn (cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Văn phòng Chính phủ). Việc đưa tiền này nhằm mục đích “dễ dàng” thực hiện các chuyến bay.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/7. |
Còn bị cáo Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt) cho biết, từ tháng 9/2020 – 11/2021, Công ty của bị cáo đã nộp rất nhiều hồ sơ nhưng không được giải quyết. Sau này, thông qua người thân của cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, bị cáo Hiệp đã gặp mặt và đặt trên bàn làm việc của ông Dũng 10.000 USD. Từ lần gặp mặt ông Dũng, Công ty của Hiệp bắt đầu được cấp phép các chuyến bay giải cứu.
Quá trình thực hiện các chuyến bay, bị cáo Hiệp phải đưa đưa thêm tiền “cám ơn” một số bị cáo khác tại Cục Lãnh sự.
Cùng trả lời xét hỏi, các bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do); Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc); Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Sang Trọng); Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) và Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Sao Việt) đều thừa nhận quá trình xin cấp phép các chuyến bay đều bị các cán bộ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ…gây khó dễ. Do đó, buộc phải chi tiền thì mới thuận lợi.
Tới lượt mình, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19) khai, quá trình cấp phép các chuyến bay, bị cáo có liên lạc với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; còn tại Bộ Y tế bị cáo gặp Phạm Trung Kiên, tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thì gặp mặt Vũ Anh Tuấn.
Trái với bị cáo Dương, Hạnh cho hay quá trình xin cấp phép không có cá nhân nào gây khó dễ cho Công ty G19, đặc biệt là bên Bộ Ngoại giao đều từ chối tất cả các món quà bị cáo đưa.
“Bị cáo đã liên hệ với cán bộ của Cục Lãnh sự nhưng họ không nhận, vì vậy bị cáo đã phải gói kín quà để nhờ người đưa. Bị cáo cũng đã đưa tiền cho anh Tô Anh Dũng, anh Tùng, Tuấn Anh ở Bộ này… thật ra tất cả các món quà đó bị cáo đưa chỉ vì tình cảm bởi hơi có chút áy náy vì họ đã giúp đỡ mình”, bị cáo Hạnh nói.
Đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, trong lời khai của Hạnh cho thấy, bị cáo này đã cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế số tiền 1,2 tỷ đồng và đưa 400 triệu đồng cho cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng.
“Ở Cục Lãnh sự, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo bị cáo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực", bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận